Bánh Cuốn Phú Thị - Món Ngon Nức Tiếng Hưng Yên
Không hào nhoáng, không cầu kỳ như những món đặc sản khác, nhưng khi bạn nếm thử một miếng của món đặc sản nơi đây bạn sẽ cảm nhận được tất cả của vị man mát của lá bánh tráng mỏng, vị chua thanh của nước chấm tạo nên món bánh cuốn Phú Thị ngon nức lòng.
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh trắng tinh cuộn bên trong là nhân thịt với hành khô, bánh không có quá nhiều loại gia vị nên khi ăn chúng ta sẽ thấy được vị thanh dễ chịu. Bánh cuốn chấm với nước chấm chanh tỏi ớt cùng với một ít thịt rắc ở trên sẽ là hương vị khó quên với du khách khi ghé qua nơi đây.
Từ Hà Nội men theo con đê sông Hồng khoảng 45 phút là bạn sẽ đặt chân đến mảnh đất Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) với nhiều các di tích lịch có giá trị như chùa Mễ Sở, chùa Phú Thị và sẽ được thưởng thức rất nhiều các món ăn đặc sản nơi đây trong đó đặc biệt nhất là bánh cuốn làng Phú Thị.
Lá bánh được làm từ bột gạo
Các hộ làm bánh cuốn nơi đây đều được truyền từ đời này sang đời khác rất khác biệt so với các loại bánh cuốn khác như : Bánh cuốn thanh trì, hay bánh cuốn lá….điểm khác biệt của bánh cuốn Mễ Sở với bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội), Hải Dương, Nam Định, Cao Bằng, Thanh Hóa… chính ở lá bánh Chúng được tráng một cách tỉ mỉ, cũng được làm từ gạo tẻ , nhưng đó phải là loại gạo tám xoan thượng hạng, hạt gạo tròn trịa 10 hạt đều như nhau thì mới có được chất lượng bánh cao nhất. Gạo sau khi được ngâm từ 2 – 3 tiếng sẽ được vớt ra để cho ráo nước, sau đó được đưa vào cối đá xay bằng tay cùng với nước và một chút gia vị cho đến khi bột thật nhuyễn.
Lá bánh cuốn Mễ Sở dày, trắng như lòng trắng trứng gà sau khi đã được hấp lên. Lá bánh dày nhưng không cứng mà rất dẻo dai, mềm mại.
Lá bánh cùng với nhân bánh thường được các hộ gia đình trong thôn làm trước từ ở nhà, độ 2 – 3 giờ sáng, nhưng không phải vậy mà mất đi độ dẻo, mềm của bánh. Lá bánh làm từ sáng để đến tối vẫn giữ nguyên được hương vị. Sau khi tráng xong lá bánh được xếp lên nhau thành các tầng, đặt vào các thúng bên trên che bằng tàu lá chuối hoặc lá sen, khi có người mua thì mới ngỡ lá bánh ra cuốn với nhân.
Nhân thịt được chọn lọc kĩ
Nhân thịt được chế biến từ thịt nạc lợn chọn lọc. Sau đó, băm đều tay rồi xào nhỏ với hành khô và thêm nếm một chút gia vị. Nhân bánh được cuộn tròn bởi lớp vỏ. Một điểm khác biệt tiếp theo, bánh cuốn Phú Thị nguyên gốc có nhân bánh không điểm xuyết nhiều những nguyên liệu như mộc nhĩ hay hành phi.
Đây là những nguyên liệu không thể thiếu được của bánh cuốn. Người dân Phú Thị đã lược bỏ bớt những thứ đó. Nhờ vậy mà người ăn có thể cảm nhận rõ được độ ngon, ngậy của vỏ bánh và nhân thịt. Và như thế, bất cứ ai ăn cũng đều phải gật dù trước hương vị đậm đà, thơm ngon và hấp dẫn.
Nước chấm
Một yếu tố quan trọng không thể thiếu chính là nước chấm. Món ăn có ngon hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào nước chấm. Cũng giống như các loại khác, nước chấm được kết hợp từ nước mắm, giấm ớt, bột ngọt. Điểm thêm vào đó một chút thịt băm khiến nó đậm đà và bắt mắt hơn. Gắp một miếng bánh cuốn chấm cho thật đã tay rồi thưởng thức. Thật là ngon hết sảy.
Điều thú vị nhất là việc thưởng thức món bánh cuốn Mễ Sở này làm nhiều khách thập phương phải chú ý đó là khi thưởng thức phải cầm bằng tay đưa từng miếng vào trong miệng. Việc đưa một chiếc bánh cuốn trắng ngần không pha các loại dầu mỡ mà vẫn cảm giác được vị ngậy béo để đưa vào bát nước chấm được pha bằng nước ngon, với một số gia vị … Bạn có thể ăn mãi mà không biết chán.
Đến với Du lịch Hưng Yên, nhất định phải một lần ghé thăm Mễ Sở. Thả hồn mình trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng mà thanh bình. Đi thăm các di tích nổi tiếng và thường thức bánh cuốn Phú Thị. Món ăn trông cực kỳ đơn giản, không nhiều màu sắc. Nhưng lại được làm vô cùng tỉ mỉ, cẩn thận và đảm bảo như tấm lòng của những người nông dân Hưng Yên chân chất. Một thức quà quê giản dị nhưng ai ăn rồi sẽ còn nhớ mãi.