Cùng với tương Bần, nhãn lồng trở thành niềm kiêu hãnh của mảnh đất Hưng Yên. Mùa tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn lồng Hưng Yên chín rộ. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước, bóc một lớp vỏ mỏng láng để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai.

Đến Hưng Yên, du khách được nghe  giới thiệu về cây nhãn tổ có tuổi đời trên 300 năm. Sự hiện diện đó là biểu tượng của giống nhãn lồng đặc sản phố Hiến. Theo ông Nguyễn Ngọc Diệm 77 tuổi, người gốc phố Hiến cho biết là cây nhãn có cùi dày, mùi thơm, mọng và ngọt nhất trong vùng nên được chọn để cúng Thành Hoàng làng, dâng lên Đức Phật và làm sản vật tiến Vua. Năm 1992, Hội Nhà vườn Việt Nam đã công nhận chùa Hiến vào kỷ lục Guinness là ngôi chùa lưu giữ được nguồn gốc của cây nhãn tổ đầu tiên của Việt Nam.

  Từ trung tâm Tp. Hưng Yên theo hướng ra ngoại thành, du khách sẽ ấn tượng bởi những cây nhãn cổ cùng những vườn nhãn lồng trĩu quả. Nhãn lồng không chỉ được trồng ở Tp. Hưng Yên mà còn được nhân giống ở các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ. Theo sự hướng dẫn, du khách sẽ được đến tham quan, trải nghiệm, khám phá về nhãn lồng Hưng Yên tại vườn của các hộ gia đình. Thời điểm chính vụ và cho thu hoạch thường vào tầm tháng 7-8-9. Những năm gần đây, nhiều nhà vườn sẵn sàng mở của đón du khách gần xa vào tham quan.

Đi trong vườn cây trĩu quả, khách tham quan  được tận hưởng không khí trong lành, thoải mái thưởng thức miễn phí những quả nhãn chín mọng và chụp cho mình những tấm hình lưu niệm đẹp mắt. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm công việc thu hái, tự tay lựa chọn những chùm nhãn trĩu quả, thơm ngon, ngọt lịm mua về làm quà cho người thân, bạn bè. Theo ông Bùi Xuân Tám - Đội 8, thôn Nễ Châu, xã Hồng Lam, Tp. Hưng Yên,: Hưng Yên nổi tiếng gần xa về đặc sản nhãn lồng, trái nhãn quả tròn, vỏ màu nâu sẫm, quả to, mùi thơm, cùi dày, săn chắc, cùi màu trắng, vị ngọt đậm và giòn. Tuy nhiên ở vùng đất này còn có một số giống nhãn, tiêu biểu như nhãn cùi cổ là giống nhãn vùng phố Hiến có cùi nhãn giòn, múi hanh vàng có vân, hương thơm mát, nhiều nước, bóc ra khô múi, dân gian hay gọi “ khô cùi, sắc nước”.

Loại nhãn này đang được nhân rộng ở HTX sản xuất Nễ Châu để phục vụ người tiêu dùng, bán trong siêu thị và xuất khẩu. Nơi đây còn có giống nhãn đường phèn có thân cao, tán rộng, rất kén chọn đất trồng và chăm sóc. Điểm nổi bật của loại nhãn này là quả nhỏ, hình dáng như hạt thóc, khi ăn có vị ngọt đậm của đường phèn, mùi thơm đặc trưng mà không loại nhãn nào có được. Ngoài ra, vùng đất này còn có nhãn Hương Chi quả to. Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nhiều giống nhãn lồng mới được nghiên cứu và trồng thử tại Hưng Yên, trong đó có nhãn Miền Thiết được trồng nhiều ở vùng Khoái Châu. Đây là giống nhãn được nghiên cứu và nhân giống đại trà, có khả năng chịu sâu bệnh, quả to, tròn, ngọt thơm như giống nhãn Thái Lan, được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap và xuất khẩu ra nhiều nước.

  Ông Phạm Văn Hiệu - Phó Giám đốc  Sở VHTTDL Hưng Yên chia sẻ, tỉnh Hưng Yên đang có nhiều giải pháp quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ nhãn lồng. Việc các nhà vườn triển khai tổ chức đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm mùa nhãn chín là một loại hình du lịch mới. Đây cũng là kênh để quảng bá, giới thiệu nhãn lồng Hưng Yên đến với du khách gần xa. Tuy nhiên, để mô hình du lịch này phát triển, mang lại hiệu quả, chungs tôi đã khuyến cáo các chủ vườn cần nâng cao chất lượng nhãn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉnh trang vườn nhãn sạch, đẹp. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc đầu tư hệ thống giao thông thuận lợi để kết nối giữa các vùng trồng nhãn với các di tích, danh thắng, điểm du lịch tạo nên sự kết nối trong hành trình khám phá vùng đất Hưng Yên.

Tuấn Sơn

  •  

Liên kết