Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần song hành, nhấn mạnh vai trò của AI trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Tại phiên thảo luận cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ Hội nghị P4G 2025, sáng 17/4 ở Hà Nội, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định phát triển xanh là bước tiến lớn của văn minh nhân loại, đồng thời đặt ra thách thức lớn chưa từng có.
"Nếu thách thức vô hạn, trí tuệ con người mới trở thành vô hạn. Phát triển xanh và bền vững là một thách thức rất lớn của nhân loại", ông nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và coi đây là áp lực tích cực để kích hoạt đổi mới sáng tạo trong nước, đồng thời tìm kiếm lời giải từ cộng đồng quốc tế. "Phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việt Nam coi đây là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu", ông cho hay.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện P4G 2025. Ảnh: Lưu Quý
Với Việt Nam, các công nghệ đột phá được ưu tiên phát triển gồm hydrogen, pin thế hệ mới, công nghệ carbon thấp, công nghệ tuần hoàn. Bên cạnh đó, các công nghệ số thế hệ mới như AI, IoT, Big Data và chip bán dẫn là động lực quan trọng cho chuyển đổi xanh. Đây đều là những công nghệ có thể tạo ra thay đổi căn bản về phát triển xanh của nhân loại.
"Chuyển đổi số của Việt Nam đang được chuyển thành chuyển đổi AI", ông nói, thêm rằng trí tuệ nhân tạo phải giúp con người thông minh hơn, phát triển xanh, bền vững hơn.
Theo ông, "xanh và số là một cặp song sinh", muốn xanh phải số, muốn số phải xanh. "Xanh phải số" vì khi lên môi trường số, con người tiêu xài vật chất ít đi. "Số phải xanh" bởi chuyển đổi số sẽ tiêu tốn nguồn điện năng lớn, cần được tiêu dùng hiệu quả.
Bộ trưởng kêu gọi xây dựng một bộ tiêu chuẩn xanh toàn cầu. Để sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có, "lời giải có thể là dùng IoT để số hóa toàn bộ thế giới thực và AI nhằm giám sát hiệu quả hoạt động, từ đó ra quyết định điều chỉnh". Ông cũng nhấn mạnh, sống xanh cần trở thành lối sống của từng cá nhân, đồng thời đề xuất phát triển trợ lý ảo 24/7 để hỗ trợ người dân sống xanh.
Ông kêu gọi cần có hành động toàn cầu trong việc sáng tạo các mô hình hợp tác mới để thúc đẩy chuyển đổi xanh. "Không thể có một quốc gia xanh mà toàn cầu không xanh. Không thể có một toàn cầu xanh mà có một quốc gia không xanh", Bộ trưởng nói.
Quảng cáo
Đề xuất của Việt Nam là thành lập một trang web để các quốc gia, doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, kinh nghiệm chuyển đổi xanh. Các nước P4G cũng cần thành lập "mô hình đổi mới sáng tạo mở" để hình thành cầu nối giữa nơi có nhu cầu với nhà cung cấp giải pháp, công nghệ.
Tham gia phiên thảo luận, đại diện Viện tăng trưởng xanh toàn cầu GGGI đồng quan điểm các quốc gia cần có chính sách xanh với cách tiếp cận toàn diện.
"Nếu muốn giảm thải carbon, phải giảm trước hết trong ngành giao thông, xây dựng, công nghiệp. Các chính phủ cần phát huy vai trò của chuyển đổi số, đồng thời có chương trình quốc gia thúc đẩy chuyển dịch xanh", GGGI khuyến nghị. Người này cũng cho rằng ngân hàng phải tham gia nhiều hơn với sản phẩm tài chính chuyên biệt để thúc đẩy công nghệ khí hậu. Các nhà đầu tư cần nhìn nhận việc rót tiền vào công nghệ khí hậu sẽ mang đến những tiềm năng kinh tế.
Kinh nghiệm chuyển đổi xanh của các nước
Bà Hon Soipan Tuya, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya, nhấn mạnh vai trò của AI trong phát triển bền vững. Theo bà, trí tuệ nhân tạo có tiềm năng lớn trong nhiều lĩnh vực như tài chính, năng lượng, nông nghiệp, nhưng đặt ra thách thức như nguy cơ mất việc, thiếu an toàn dữ liệu và khoảng cách số.
"Câu hỏi không còn là liệu chúng ta có cần tận dụng trí tuệ nhân tạo hay không, mà là làm thế nào để ứng dụng công nghệ này một cách minh bạch, công bằng và có trách nhiệm", bà nói.
Theo bà, để phát huy vai trò của AI trong phát triển xanh, các quốc gia cần đầu tư hạ tầng số, từ mạng Internet tốc độ cao, điện toán đám mây dễ tiếp cận, đến các trung tâm dữ liệu tại chỗ. Bà lấy ví dụ hệ thống điện lưới thông minh ở nước này sử dụng AI để cân bằng sản lượng giữa các nguồn như địa nhiệt và gió, hỗ trợ cảnh báo thiên tai, giám sát nạn phá rừng.

Bộ trưởng Quốc phòng Kenya Hon Soipan Tuya chia sẻ tại phiên thảo luận trong khuôn khổ P4G 2025, ngày 17/4. Ảnh: Lưu Quý
Là đất nước Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) thường xuyên đối mặt thách thức về thời tiết, khí hậu. Giống Việt Nam, cách giải quyết của UAE là tận dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững. Ông Bader Al Matrooshi, đại sứ UAE, cho biết họ đang tập trung triển khai nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ thủy canh, thúc đẩy nông nghiệp xanh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Chúng tôi có nông trại lớn nhất toàn cầu, ứng dụng công nghệ máy học để giúp cây trồng sinh trưởng tốt", ông Matrooshi nói, nhấn mạnh AI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xanh, tạo ra thế giới có sự song hành giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thứ trưởng Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi, đánh giá trước những thách thức của thời đại, hợp tác là điều cần thiết để phổ biến công nghệ xanh. Ông cho biết nước này đang sử dụng AI để giám sát ô nhiễm, biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng mất đa dạng sinh học. Ông lấy ví dụ một công ty tư nhân ở Nhật đang vận hành ứng dụng cho phép người dân chụp ảnh động thực vật rồi tải lên hệ thống. Từ hình ảnh, AI xác định loài và môi trường sống cụ thể của chúng.
"Đây là cách theo dõi hiệu quả điều kiện môi trường sống của từng loài. Nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học cũng được cải thiện", ông nói.

Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 diễn ra ngày 15-17/4 tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh
Khép lại diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá "phiên thảo luận đã nhấn mạnh vai trò sống còn của hợp tác quốc tế, với nguyên tắc các bên cùng thắng". Ông nhắc lại thông điệp được nêu đầu chương trình rằng "không thể có một quốc gia xanh mà thế giới không xanh, không thể có thế giới xanh mà có một quốc gia không xanh".
Phiên thảo luận "Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh" sáng 17/4 diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G). Phiên này tập trung vào ba trọng tâm: ứng dụng trí tuệ nhân tạo và số hóa trong giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên; tăng cường hợp tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo; và giải pháp vượt qua rào cản về kỹ thuật, hạ tầng, an ninh dữ liệu trong quá trình chuyển đổi xanh.
Đây là lần đầu sự kiện diễn ra tại Việt Nam, lấy chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm", đồng thời là sự kiện đa phương cấp cao lớn nhất về tăng trưởng xanh do Việt Nam đăng cai tổ chức trong giai đoạn 2021-2026.
Hội nghị quy tụ các nhà lãnh đạo cấp cao, đại diện tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu thế giới nhằm thúc đẩy giải pháp sáng tạo cho phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì ba hoạt động trọng điểm, tập trung vào vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững.
Trước đó, ngày 16/4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách về "Khuyến khích đầu tư, kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực chuyển đổi xanh và phát triển bền vững", tạo ra không gian kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, chuyên gia và doanh nghiệp, để thảo luận các mô hình và cơ chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp xanh và xây dựng hệ sinh thái phát triển bền vững tại Việt Nam.
Nguôn: https://vnexpress.net/