Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sỹ và Bỉ, sáng ngày 23/10/2023, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã có buổi làm việc với Giáo sư, Tiến sỹ Martina Hirayama, Quốc vụ khanh Ủy ban nhà nước về Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Liên bang Thụy Sỹ (SERI) tại trụ sở Ủy ban ở thủ đô Bern.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi thông tin và thảo luận phương hướng tăng cường hợp tác song phương về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Thụy Sỹ và Việt Nam đã được ghi nhận kể từ khi SERI và Bộ Khoa học và Công nghệ ký Ý định thư hợp tác khoa học và công nghệ vào ngày 01/10/2019 nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Quốc vụ khanh Ủy ban nhà nước về Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Liên bang Thụy Sỹ Martina Hirayama tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Thứ trưởng Bùi Thế Duy làm Trưởng đoàn.
Bà Martina Hirayama đã giới thiệu với Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ về hệ thống giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thụy Sỹ cũng như chia sẻ thông tin về những ưu tiên, sự phát triển mới trong lĩnh vực khoa học ở Thụy Sĩ. SERI đã giao Viện Công nghệ liên bang Thụy Sỹ ở Zurich (ETH Zurich) là Cơ quan triển khai về hợp tác khoa học với các nước ở khu vực Đông Nam Á giai đoạn từ năm 2021-2024. Trong khuôn khổ chương trình này, ETH Zurich đang triển khai các công cụ hợp tác để tài trợ cho các dự án khởi nghiệp và các dự án thí điểm về đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sĩ (SNSF) và Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) đã ký văn bản hợp tác vào năm 2020. SNSF và NAFOSTED đã tiến hành thông báo kêu gọi đề xuất nghiên cứu chung lần đầu tiên vào năm 2021 với số lượng 10 đề tài được hai bên thống nhất đồng tài trợ, trong đó kinh phí của SNSF là 2,5 triệu franc và kinh phí của NAFOSTED là 25 tỷ đồng. Hai Quỹ đang tích cực trao đổi và thống nhất sẽ tổ chức thông báo kêu gọi đề xuất nghiên cứu chung lần thứ hai vào năm 2024 với nguồn kinh phí đóng góp của hai bên tương đương kinh phí lần 1. Trong lĩnh vực giáo dục, từ năm 1961, Thụy Sỹ đã cấp học bổng cho tổng số 120 nhà nghiên cứu của Việt Nam sang học và thực tập tại các trường đại học và viện nghiên cứu của Thụy Sỹ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa hai nước trong thời gian qua, và chia sẻ với phía Thụy Sỹ về hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Thứ trưởng cũng đưa ra một số lĩnh vực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo có tính khả thi và thiết thực đối với cộng đồng khoa học và công nghệ hai nước như: y tế, biến đổi khí hậu, đô thị thông minh, khởi nghiệp... Thứ trưởng mong muốn hai bên tạo thêm nhiều điều kiện và cơ hội để các nhà khoa học của Việt Nam và Thụy Sỹ được kết nối, hợp tác trong các hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Trước mắt, hai bên tiếp tục trao đổi, làm việc về khả năng tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham gia của các nhà khoa học để tìm hiểu, đánh giá nhu cầu cũng như tiềm năng hợp tác trong cộng đồng khoa học của hai nước. Đồng thời, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề xuất Thụy Sỹ quan tâm, ủng hộ việc ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai bên về thiết lập quan hệ đối tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo với các cơ chế có tính hành động và khả thi cao, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai.
Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN