Doanh nghiệp có thể đầu tư nghiên cứu phát triển gấp 10 - 20 lần

Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH,CN, ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia đã "cởi trói" một số nội dung về chi tiêu cho khoa học và công nghệ (KH&CN). Một trong những chính sách quan trọng là cho phép tất cả các chi tiêu cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế.

Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH,CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về tăng trưởng kinh tế ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia. 

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, các địa phương cần đưa mục tiêu TFP (yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp) đóng góp vào tăng trưởng GRDP của các địa phương từ 50-55%. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể về kinh phí đầu tư đổi mới KH&CN, đưa các cơ chế, chính sách mới đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH,CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.

Nghị quyết này đã "cởi trói" một số nội dung về chi tiêu cho KH&CN. Một trong những chính sách quan trọng là cho phép tất cả các chi tiêu cho nghiên cứu phát triển và ĐMST của doanh nghiệp được trừ vào chi phí tính thuế. 

Đây là nội dung "cởi trói" rất lớn so với trước đây chỉ cho phép doanh nghiệp trích Quỹ KH&CN của doanh nghiệp tối đa không quá 10% thu nhập chịu thuế (con số này nhỏ hơn nhiều so với tổng doanh thu của doanh nghiệp). Với cơ chế mới này, doanh nghiệp có thể đầu tư cho nghiên cứu phát triển gấp 10 thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này sẽ hỗ trợ rất tốt công tác khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã có báo cáo chi tiết về đóng góp của đổi mới công nghệ và đổi mới quản trị, nâng cao hiệu suất cho các ngành vào tăng trưởng kinh tế. Bộ mong muốn các bộ, ngành sử dụng những kết quả nghiên cứu này để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu suất, chất lượng.

Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua cơ chế cho phép toàn bộ các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học thuộc sở hữu, được phép thương mại hóa ngay kết quả nghiên cứu mà không cần lập kế hoạch xin cấp trên. Điều này giúp rút ngắn thời gian đưa công nghệ vào ứng dụng thực tế.

"Với tháo gỡ này, ngay tuần tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN sẽ chỉ đạo lãnh đạo đơn vị họp ngay các đơn vị đã có kết quả nghiên cứu, sẵn sàng ký hợp đồng triển khai doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh ngay thời gian tới", Thứ trưởng Bùi Thế Duy thông tin. Đồng thời Thứ trưởng cho biết, Bộ KH&CN cũng khuyến khích các địa phương quan tâm đến chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII), đây là công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế. Trong tháng 5/2025, Bộ KH&CN dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Luật KH,CN&ĐMST, đồng thời xây dựng Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2026-2030 nhằm tạo đà cho tăng trưởng bền vững trong những năm tới.

Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đang phối hợp chặt chẽ với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và các nhà khoa học triển khai các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phù hợp, từ đó đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, đặc biệt hướng đến mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, muốn tăng trưởng phải nâng cao năng suất lao động, muốn nâng cao năng suất lao động phải phát triển KH,CN&ĐMST và nhân lực chất lượng cao. Do đó, phải có giải pháp để KH,CN, ĐMST và chuyển đổi số và nhân lực chất lượng cao trở thành động lực, mang tính đột phá để đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tưởng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý; Xây dựng thể chế thông thoáng, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, tạo đột phá phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương…

Cần khẩn trương hướng dẫn, tập trung triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các chính sách thí điểm mới, đột phá về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát; phát huy hiệu quả các quỹ KH&CN, khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp, ĐMST. Tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc cho Việt Nam. Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi (như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp internet, internet vạn vật, công nghiệp y sinh học...).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị.

Trước đó, giải trình tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, hiện nay chi cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam là 0,5% GDP, bằng 1/4 so với mục tiêu 2%. Trong 2% GDP này, chi của doanh nghiệp chiếm 70 - 80%, nhưng hiện nay doanh nghiệp mới chi khoảng 20.000 tỉ đồng/năm, đạt được 1/6 so với mục tiêu.

Do đó, Nghị quyết thí điểm cho phép doanh nghiệp chi cho KH&CN ngoài Quỹ KH&CN được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp có thể chi cho KH&CN nhiều hơn 10% lợi nhuận trước thuế và cũng không bị ràng buộc bởi các quy định quá chặt chẽ của Quỹ.

 Nguồn:https://www.most.gov.vn/

Liên kết