Đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước

Đó là tên Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức vào ngày 25/12/2023 tại Hà Nội, nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp phù hợp hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

 

Với sự đầu tư của Nhà nước cho hoạt động KH&CN, nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào đời sống và sản xuất, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN có những đặc thù riêng và chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản cùng một lúc đã tạo ra những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt trong quá trình xử lý tài sản hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội, cần phải đánh giá thực trạng, có những giải pháp phù hợp hoàn thiện cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định khẳng định: Hệ thống cơ chế, chính sách quản lý tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đã khá đầy đủ, gồm: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật KH&CN, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN. Tuy nhiên, kết quả thực hiện xử lý tài sản còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân từ hệ thống pháp luật còn có những điểm chưa phù hợp với đặc thù của lĩnh vực KH&CN. Dẫn tới hành lang pháp lý đã có nhưng lại chưa thực sự đi vào cuộc sống; đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST).

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Hội thảo.

Nghị quyết số 100/2003/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội khẳng định: “Tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ các chính sách, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST… Rà soát, sửa đổi, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật KH&CN theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu KH,CN&ĐMST theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, bảo đảm công khai, minh bạch. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để KH,CN&ĐMST thực sự là đột phá chiến lược, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Hoàn thiện cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ KH&CN phối hợp thực hiện để triển khai Nghị quyết số 100/2023/QH15. Hội thảo này là cầu nối giữa các nhà quản lý, cơ quan xây dựng chính sách với các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân là các đối tượng thực thi chính sách, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng nêu một số bất cập, trong đó phương pháp xác định giá trên tổng hợp các chi phí triển khai nhiệm vụ là chưa phù hợp do còn có đóng góp quan trọng của "chất xám". Đây là chi phí khó định lượng. Do đó hiện nay khó tìm được cơ quan có khả năng thẩm định giá tài sản từ nhiệm vụ, gây ra khó khăn trong thương mại hóa.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vướng mắc của hệ thống chính sách hiện hành gồm Luật, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP và 3 thông tư hướng dẫn của Bộ Tài Chính và Bộ KH&CN; đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới cơ chế quản lý, xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, đó là: coi việc đầu tư các dự án như một khoản tài trợ chứ không phải đầu tư để thu hồi vốn, tức là chấp nhận rủi ro. Ở đó tài sản trí tuệ chuyển giao cho doanh nghiệp được thu hồi gián tiếp qua cơ chế thuế; Ở cấp độ thấp hơn là không bán tài sản trí tuệ hình thành mà sử dụng cơ chế cho quyền sử dụng, thu % doanh thu từ tài sản đó, và để thị trường tự định giá. Ngoài ra, nếu thực hiện định giá cần có mức sàn chung áp dụng khi thuyết minh đề tài dự án, để tránh vi phạm liên quan thủ tục định giá, cấu kết lợi ích.

Tiếp thu và ghi nhận các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính trong quá trình rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách về cơ chế trong quản lý tài sản hình thành từ các chương trình, nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước phù hợp, hiệu quả hơn.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Liên kết