Theo các chuyên gia, đổi mới sáng tạo (ĐMST) xanh là điều tất yếu và cần sự chung tay của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), tổ chức quốc tế, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, tiên phong.
Ngày 16/11/2023 tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban về KH&CN thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) tổ chức Hội thảo: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh - Giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030”.
Đổi mới sáng tạo xanh là hướng đi tất yếu
Hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam, thúc đẩy ĐMST xanh được coi là giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. ĐMST xanh bao gồm tất cả các loại hình ĐMST góp phần tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình quan trọng nhằm giảm tác hại, tác động và suy thoái môi trường đồng thời tối ưu hoá việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Để thúc đẩy ĐMST xanh, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) kêu gọi chính phủ các quốc gia đang phát triển cần tập trung xây dựng hệ sinh thái không chỉ thúc đẩy mà còn định hướng ĐMST xanh như tăng cường hỗ trợ cho các chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực xanh, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phức tạp hơn và xanh hơn, tạo nhu cầu tiêu dùng xanh…
Toàn cảnh Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, Phó Chủ tịch Ủy ban về KH&CN thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ quả của việc này ngày càng ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, chuyển đổi xanh không chỉ là hoạt động theo phong trào mà là những hoạt động ngày càng bắt buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, chuyển đổi xanh không chỉ dừng ở KH&CN, ở đổi mới công nghệ mà còn kèm theo những giải pháp về tư duy, nâng cao năng lực nhận thức để đề ra sáng kiến giải pháp phù hợp, từ đó đưa ra sản phẩm mới thân thiện với môi trường hơn.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chuyển đổi xanh là những hoạt động ngày càng bắt buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Kim Wimbush - Giám đốc Chương trình Aus4Innovation, Australia chia sẻ, ĐMST xanh giúp tăng năng suất và bảo vệ môi trường, đó là hướng đi tất yếu của sự phát triển kinh tế cũng như tăng cường an sinh xã hội cho tương lai.
Theo ông Kim Wimbush, chính phủ Australia xác định ĐMST xanh là mục tiêu trọng tâm trong việc bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Australia đang phát triển một loạt chính sách về ĐMST xanh và hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2030. Một trong những nội dung đó là hợp tác với Việt Nam để đẩy mạnh quan hệ song phương giữa hai nước về lĩnh vực này.
Ông Kim Wimbush mong muốn, Hội thảo là cơ hội để cùng thảo luận về nội dung ĐMST xanh và giải pháp thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030, trong đó chính sách công đóng vai trò quan trọng.
Ông Kim Wimbush cho rằng, ĐMST xanh là hướng đi tất yếu của sự phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của các thiết kế chính sách
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về thực trạng ĐMST xanh ở Việt Nam, chỉ ra những khó khăn, thách thức, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch hành động chuyển hóa các thách thức thành cơ hội để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Nói về vai trò của ĐMST xanh trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Bà Đặng Thu Giang, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN - Học viện KH,CN&ĐMST cho biết, KH,CN&ĐMST là thành tố cốt yếu thúc đẩy và đảm bảo môi trường xanh, kinh tế xanh và xã hội xanh hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo. Thúc đẩy ĐMST xanh để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh toàn cầu và trong nước hiện nay.
Bà Đặng Thu Giang đề xuất một số định hướng giải pháp thúc đẩy ĐMST xanh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay như: Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, tạo khung khổ pháp lý và có sự hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng ĐMST xanh; Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, tiên phong trong ứng dụng công nghệ, ĐMST xanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra sản phẩm dịch vụ xanh; Tổ chức KH&CN chủ động nghiên cứu công nghệ xanh, tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ xanh; Các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong hoạch định chính sách để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng ĐMST xanh, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ xanh.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc triển khai và thực hiện ĐMST xanh đòi hỏi xây dựng một khuôn khổ chính sách tổng thể hợp lý trên nhiều lĩnh vực, vừa thúc đẩy tính ĐMST vừa thúc đẩy chuyển dịch xanh trong doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng một hệ sinh thái ĐMST xanh và bền vững cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đặc biệt thúc đẩy sự tham gia tích cực của không chỉ những nhà nghiên cứu, nhà sáng lập mà còn cả các doanh nghiệp lớn và quỹ đầu tư.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, KH,CN&ĐMST nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn mang lại các giải pháp bền vững giúp phát huy các tiềm lực và tận dụng các năng lực của các bên liên quan để giải quyết các vấn đề về nhu cầu phát triển kinh tế bền vững đất nước.
Tuy nhiên việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong thực tế cũng sẽ gặp nhiều thách thức như đòi hỏi hàm lượng KH&CN cao trong sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nguồn lực, thể chế và vai trò tham gia của các bên liên quan. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của các thiết kế chính sách. Nhà nước quản lý, ban hành các quy chế và tiêu chuẩn liên quan đến kinh tế tuần hoàn và sự liên kết các bên liên quan trong việc nghiên cứu, thực hành và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả. Trường Đại học phối hợp thực hiện triển khai thí điểm các chính sách KH,CN&ĐMST và liên kết các bên liên quan trong việc nghiên cứu, thực hành và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Trên cơ sở kinh nghiệm của Australia, Đan Mạch, ông Andy Hall - Cơ quan Khoa học quốc gia Australia (CSIRO) đã nêu bảy vấn đề mấu chốt để thúc đẩy ĐMST xanh gồm: Các chính sách về khí hậu phạm vi quốc gia, khu vực, toàn cầu; Phát triển công nghệ; Đầu tư nhà nước và tư nhân cho nghiên cứu và phát triển; Hệ sinh thái ĐMST xanh; Hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, tư nhân và các tổ chức xã hội; Xây dựng các quy định và phát triển cơ sở hạ tầng; Điều phối chính sách.
Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận: Đề xuất các giải pháp thúc đẩy ĐMST xanh nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam. Tại đây, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, các tổ chức quốc tế và các bên có liên quan khác cùng nhau trao đổi về một số vấn đề đặt ra trong thúc đẩy ĐMST xanh ở Việt Nam như cơ hội, thách thức, vai trò của nhà nước trong thúc đẩy ĐMST xanh; kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn của Việt Nam trong xây dựng năng lực KH,CN&ĐMST và các chính sách đồng bộ, phù hợp với đặc thù của ĐMST xanh.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận dưới sự chủ trì của ông Trần Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN