Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2022: Đảm bảo chính xác, đúng đối tượng

“Buổi Họp báo công bố kết quả Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) năm 2022 và Lễ trao GTCLQG, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tổ chức vào tháng 9/2023 tại Hà Nội”.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng GTCLQG thông tin tại Phiên họp lần thứ hai Hội đồng GTCLQG năm 2022 ngày 23/6/2023 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Chủ tịch Hội đồng GTCLQG năm 2022 tham dự và phát biểu chỉ đạo. Tham dự Phiên họp còn có đại diện các Bộ, ban, ngành, tổ chức liên quan.
 


Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Năm 2022 có 83 doanh nghiệp được 39 Hội đồng sơ tuyển đề xuất Hội đồng Quốc gia trao GTCLQG năm 2022. Tại Phiên họp lần thứ nhất năm 2022, các thành viên Hội đồng Quốc gia đã thống nhất về nguyên tắc với kết quả xem xét, thẩm định của Cơ quan Thường trực GTCLQG về các doanh nghiệp tham dự cũng như thống nhất danh sách doanh nghiệp tham dự GTCLQG năm 2022 đã được thẩm định.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp lần này, Thứ trưởng Lê Xuân Định, Chủ tịch Hội đồng GTCLQG lưu ý Cơ quan Thường trực GTCLQG cần tiếp tục xem xét, rà soát lại các doanh nghiệp được đề xuất trao GTCLQG năm 2022, đặc biệt cần đảm bảo chính xác, đúng đối tượng.

Thứ trưởng đề nghị các thành viên Hội đồng Quốc gia trong từng lĩnh vực chuyên môn và chức năng quản lý nhà nước (Bộ, ngành) tiếp tục đóng góp các ý kiến cụ thể, dành sự quan tâm cho các hoạt động của GTCLQG, trong đó xem xét các thành tích và những vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp được đề xuất GTCLQG năm 2022.

Theo báo cáo của Hội đồng GTCLQG, thực hiện kết luận tại Phiên họp lần thứ nhất, Cơ quan Thường trực GTCLQG đã tổ chức các đoàn công tác xem xét, thẩm định tại chỗ 23/27 doanh nghiệp được Hội đồng Quốc gia thống nhất xem xét tặng Giải Vàng CLQG năm 2022 tại 17 tỉnh/thành phố trên cả nước. Các doanh nghiệp được đề xuất Giải Vàng CLQG là những doanh nghiệp có uy tín tại địa phương. Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ được cung cấp trên toàn quốc hoặc xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, một số là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành, lĩnh vực hoạt động, có vị thế cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Ngoài giữ vững được mức tăng trưởng và đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động, chất lượng sản phẩm được nâng cao, duy trì quan hệ tốt với khách hàng và người cung ứng, tạo đà phát triển bền vững, các doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định của Nhà nước về thuế, môi trường, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001, GMP, HACCP... và các công cụ cải tiến năng suất chất lượng như: KPIs, 5S, Kaizen, LEAN, ERP…
 

Toàn cảnh Phiên họp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ vai trò của quản lý chất lượng nói chung, ý nghĩa, mục đích của việc tham dự GTCLQG nói riêng và việc áp dụng 07 tiêu chí của GTCLQG như một công cụ giúp doanh nghiệp tự đánh giá và hoàn thiện mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết luận Phiên họp, thừa ủy quyền của Thứ trưởng Lê Xuân Định, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Hội đồng GTCLQG sẽ đề xuất Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ tặng GTCLQG năm 2022 cho 69 DN, trong đó có 24 doanh nghiệp đoạt giải Vàng và 45 doanh nghiệp đoạt giải Bạc. Đồng thời, đề nghị Cơ quan Thường trực GTCLQG tiếp tục kết hợp với các thành viên Hội đồng Quốc gia theo dõi việc tuân thủ các quy định của Nhà nước liên quan đến an toàn lao động, bảo vệ môi trường, nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Trải qua 26 năm triển khai (từ năm 1996) đã có hơn 2.000 lượt doanh nghiệp tham dự với: 280 lượt doanh nghiệp đoạt giải Vàng, 1.750 lượt doanh nghiệp đoạt giải Bạc, 139 lượt doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và 52 lượt DN đoạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á -Thái Bình Dương.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Liên kết