GIÁM ĐỐC SỞ KH&CN THĂM MÔ HÌNH NUÔI ỐC NHỒI THƯƠNG PHẨMTHEO VIETGAP TẠI THÀNH PHỐ HƯNG YÊN

Ngày 6/6/2024, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên đã tới thăm trực tiếp mô hình nuôi thương phẩm ốc nhồi theo VietGAP tại phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thăm mô hình nuôi ốc nhồi theo VietGAP

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên thay đổi một phần do bị bắt nhiều nên ốc nhồi ngày càng trở lên khan hiếm. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi ngày càng lớn, gia đình ông Phạm Văn Tuấn thuộc phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên đã mạnh dạn đề nghị và được Hội đồng khoa học và công nghệ thành phố Hưng Yên hỗ trợ mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm theo VietGAP, bởi ốc nhồi là loại con nuôi ít tiêu tốn thức ăn, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Bên cạnh đó nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc nhồi trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung còn khá hạn chế.

ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao đổi về kỹ thuật nuôi ốc nhồi theo VietGAP

Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Tuấn cho biết, gia đình đã nuôi ốc nhồi được khoảng 3 năm, với diện tích nuôi 2.700m2, mỗi năm cũng chỉ thu được hơn 1 tấn ốc thương phẩm bởi chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi là tự học. Sau khi đề nghị và được Hội đồng Khoa học và Công nghệ Thành phố Hưng Yên hỗ trợ mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm trong ao theo VietGAP” với diện tích 7,5 sào tương đương 2.700m2 ao nuôi. Trên cơ sở đó được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và được Công ty TNHH TM và DV giống thủy sản Quang Trung, xã Quảng Hưng, phù cừ , Hưng Yên cung cấp 162.000 con giống kích cỡ 0,3-0,5g/con.

ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trao đổi về kỹ thuật nuôi ốc nhồi theo VietGAP

Thông qua thực hiện mô hình, hộ ông Phạm Văn Tuấn đã được hỗ trợ kỹ thuật nuôi bằng việc chia thành từng ao nhỏ, mỗi ao khoảng gần 2 sào để thuận tiện việc chăm sóc, quản lý với các nguồn thức ăn tự nhiên như lá sắn, bèo cái, xơ mít, quả mướp,đu đủ, cây khoai nước, các loại rau củ, quả thực phẩm. Tùy từng quy mô số lượng con nuôi, khoảng 3 đến 4 ngày mới phải cho bổ sung thức ăn. Đặc biệt, ông Tuấn được trang bị kỹ năng và từng bước chủ động trong khâu theo dõi môi trường ao nuôi.Kỹ thuật này đã khắc phục được những hạn chế trước đây mà ông từng làm đó là sử dụng bèo để nuôi mà không biết rằng nuôi bèo nhiều thì buổi tối nó sẽ hút hết oxy trong nước khiến ốc bị thiếu oxy gây chết hàng loạt. Men vi sinh ông Tuấn cũng chỉ đánh một lần, không dám đánh định kỳ 10 ngày/lần, như vậy ốc sẽ dễ bị nhiễm bệnh đường ruột và thiếu canxi, khoáng gây mòn vỏ và chậm phát triển. Và khi trời mưa, nhất là những cơn mưa rào đàu vụ thường là mưa axit, bản thân ông Tuấn cũng không có kinh nghiệm tưới vôi để trung hòa axit trong nước mưa khiến cho ốc bị sốc nước chết. Bên cạnh đó do nuôi trong ao tự nhiên nên gặp nhiều khó khăn trong việc thay nước, bởi hàng tháng phải thay nước đáy và bổ sung nước tầng mặt ít nhất một lần để đẩy sạch phần phân của ốc ra. Ông Tuấn cho biết, mô hình mới chỉ được nuôi ở thời gian đầu cho thấy tỷ lệ chết của ốc không đáng kể, ốc khỏe mạnh, vận động tốt và ăn đều.

ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá kết quả bước đầu của mô hình

Phát biểu tại buổi thăm mô hình thực tế và cũng là đợt đi cơ sở đầu tiên trong tháng 6/2024, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao đề xuất và sự hỗ trợ của Hội đồng KH&CN thành phố Hưng Yên trong thực hiện một số mô hình ứng dụng KH&CN cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có môi hình nuôi thương phẩm ốc nhồi theo VietGAP. Đối với mô hình nuôi thương phẩm ốc nhồi, đồng chí Trần Tùng Chuẩn cho đánh giá cao việc Hội đồng KH&CN thành phố đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và đơn vị cung ứng giống hỗ trợ chủ hộ thực hiện mô hình bước đầu cho thấy khả thi và hứa hẹn một mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ngay tại thành phố Hưng Yên. Đặc biệt là thông qua mô hình đã thay đổi được tập quán canh tác của người dân nói chung và hỗ trợ được kỹ thuật mới vào sản xuất ốc nhồi cho hộ dân ông Thành nói riêng, giúp quản lý, chăm sóc ốc khỏe mạnh, quản lý được môi trường không khí, môi trường nước, hạn chế được các rủi ro mà trước đây người dân thường gặp trong quá trình nuôi ốc. ThS. Trần Tùng Chuẩn cũng đề nghị Hội đồng KH&CN thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ hộ dân thực hiện nghiêm quy trình sản xuất ốc thương phẩm theo VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó cần hướng tới việc nhân giống, cho sinh sản nhân tạo giống ốc nhồi và xúc tiến thương mại cho các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống đem lại hiệu quả kinh tế cao tại Hưng Yên.

Trường Long

 

Liên kết