Góp ý đổi mới nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp: 5 vấn đề lớn

Kinh nghiệm vận hành của một viện nghiên cứu bên New Zealand cho thấy cơ chế họ rất khác với mình. Viện nghiên cứu của họ hoạt động như là một doanh nghiệp.

                                         PGS.TS Nguyễn Minh Châu đi thăm nông dân ở Chợ Lách, Bến Tre. Ảnh: TĐ.

                                       PGS.TS Nguyễn Minh Châu đi thăm nông dân ở Chợ Lách, Bến Tre. Ảnh: TĐ.

Được Báo Nông nghiệp Việt Nam mời viết bài góp ý, tôi tham gia với mong muốn sẽ có nhiều tồn tại của sản xuất được các viện nghiên cứu tham gia giải quyết. Tôi trình bày với kinh nghiệm vận hành của một viện nghiên cứu bên New Zealand.

Phân vai trong nghiên cứu

Có lẽ sẽ khó có đủ kinh phí để các viện thực hiện nghiên cứu cho tất cả các cây trồng. Cho nên, Bộ NN-PTNT nên thống nhất với các tỉnh, cây nào Bộ sẽ cấp kinh phí, còn cây nào thì các tỉnh sẽ lo.

Ví dụ Tây Nguyên, Tây Bắc có bơ là cây vừa đặc thù vừa có triển vọng rất lớn, thì các tỉnh ở 2 khu vực này nên tự lo kinh phí nghiên cứu. Nếu không có sự phân vai rõ, tôi nghĩ các vấn đề của cây bơ ở 2 vùng này sẽ không rõ ai sẽ lo kinh phí để giải quyết các tồn tại đến nơi đến chốn.

Nhiều vấn đề trên cây bơ không biết đến khi nào mới được giải quyết như: Giống gốc ghép nào để cây không bị bệnh xì mủ, cây giống tốt và sạch bệnh mua ở đâu, kỹ thuật trồng hiện nay chưa đúng, bón phân như thế nào để đạt độ béo cao, thu hoạch lúc nào, và ủ chín ra sao để người tiêu dùng khi mua về ăn sẽ đạt được chất lượng cao như bơ ở các nước xuất khẩu...

Khi phân rõ vai, ngoài giải quyết được vấn đề kinh phí ra, các vấn đề trên cây bơ chắc chắn địa phương sẽ biết rõ cần phải giải quyết cái gì cho sản xuất của họ hơn là ở Bộ NN-PTNT. 

                                Nông dân Mộc Châu (Sơn La) thu hoạch bơ. Đây là cây trồng rất tiềm năng của Sơn La. Ảnh: Lê Bền.

                               Nông dân Mộc Châu (Sơn La) thu hoạch bơ. Đây là cây trồng rất tiềm năng của Sơn La. Ảnh: Lê Bền.

Như vậy, sự phân vai chẳng những góp phần giải quyết bài toán kinh phí cho nghiên cứu, mà còn giải quyết được vấn đề mà người sản xuất đã và đang rất cần câu trả lời. Qua đó, mới nhanh chóng khai thác tiềm năng còn rất lớn của cây bơ ở 2 vùng đất này nếu có khoa học vào hướng dẫn cho người dân. 

Đối với cây chanh dây ở Tây Nguyên, Tây Bắc cũng vậy. Nếu có sự phân vai thì các vấn đề trên cây chanh dây như: Cây giống sạch bệnh, kỹ thuật trồng bền vững như bên Đài Loan đã chứng minh, từ cách thu hoạch, cách chế biến ra được nhiều sản phẩm được họ giải quyết rất tốt.

Do thiếu phân vai, nên cây giống chanh dây sạch bệnh cho dân trồng vẫn chưa có, chỉ có "cây sạch bệnh" theo quảng cáo, mua về trồng một thời gian ngắn thì rất nhiều bệnh virus sớm lộ ra. Rồi kỹ thuật trồng chanh dây cũng chưa có ai hướng dẫn theo hướng bền vững, nên nông dân Tây Nguyên trồng đến 1,5 - 2 năm mới hủy. Trong khi bên Đài Loan, cứ đúng sau 1 năm trồng là họ hủy toàn bộ vùng sản xuất để trồng lại bằng cây giống sạch bệnh.

Làm như bên Đài Loan, thì sản xuất chanh dây của nông dân mới đạt loại 1 nhiều hơn, mới có hiệu quả sản xuất cao hơn, mới là làm “kinh tế nông nghiệp" như lời Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói, chứ không phải chăm chăm đạt sản lượng rất cao, mà thu nhập lại rất thấp như kỹ thuật đang áp dụng hiện nay. Và nông dân thì vẫn rất nghèo, dù vẫn đạt năng suất cao, cao hơn bên Đài Loan đến gấp 1,5 - 2 lần, nhưng số trái đạt loại 1 như họ lại thấp hơn nhiều.

                                Chanh leo (chanh dây) là cây trồng mới, giàu tiềm năng ở Tây Nguyên và Tây Bắc, nhưng chưa có những đầu tư nghiên cứu bài bản, nhất là khâu phòng trừ dịch bệnh, giống sạch bệnh. Ảnh: Lê Bền.

                         Chanh leo (chanh dây) là cây trồng mới, giàu tiềm năng ở Tây Nguyên và Tây Bắc, nhưng chưa có những đầu tư nghiên cứu bài bản, nhất là                                   khâu phòng trừ dịch bệnh, giống sạch bệnh. Ảnh: Lê Bền.

Gắn kết giữa viện và doanh nghiệp

Nhiều vấn đề doanh nghiệp hiện rất cần các viện tham gia, như khối doanh nghiệp đang tham gia sản xuất lớn ở trong và ngoài nước (Lào, Campuchia...); các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây.

Các viện nên ít nhất mỗi năm 1 lần, tổ chức giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp. Như kinh nghiệm của Viện Plant & Food của New Zealand, họ gắn bó với các công ty lớn xuất khẩu trái cây, không chỉ giao cho công ty quyền khai thác giống mới của viện, mà còn các vấn đề liên quan đến khâu bảo quản sau thu hoạch trên trái xuất khẩu, đảm bảo sau khi đến thị trường tiêu thụ vẫn tươi, ngon.

Nhờ có hợp tác mà Viện Plant & Food vừa có thêm thu nhập, vừa thêm việc cho nhà khoa học nghiên cứu. 

Tự chủ biên chế ở các viện

Tôi thấy viện nghiên cứu bên New Zealand, như Viện Plant & Food được tự chủ mọi việc, khác hẳn cách đang làm ở các viện nghiên cứu của mình hiện nay. Có lẽ nhờ vậy, mà các nhà khoa học ở viện Plant & Food đam mê công việc, có đời sống cao.

Đây là cách mà Viện Plant & Food vận hành trong hoạt động: Họ thuê giám đốc (CEO) để điều hành viện y như một công ty tư nhân. Kinh phí một năm của họ rất lớn nhờ tiền bản quyền các giống mới. Nguồn kinh phí này có được từ việc hợp tác chuyển giao công nghệ cho các công ty xuất khẩu trái cây, và kinh phí cũng đến nhờ đi hỗ trợ cho các nước đang phát triển như Việt Nam (Chính phủ New Zealand sẽ tài trợ kinh phí cho họ khi sang giúp Việt Nam). 

Do hoạt động như một công ty nên Viện Plant & Food được ký hợp đồng với bất kỳ nhà khoa học giỏi nào, hay hủy hợp đồng với bất kỳ cán bộ nào. Ở mình thì khác, do vướng nhiều quy định, nên các viện không thể thu hút người giỏi và trả lương cao, hay giảm biên chế như bên họ! Điều này khiến cho bộ máy ở các viện lớn, vẫn phải tồn tại qua nhiều năm, rất khó thay đổi vì cơ chế đã phê duyệt cho các viện từng đó biên chế rồi.

                                       PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, cần tăng tính tự chủ để các viện có cơ chế hợp tác, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, qua đó tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cho cán bộ khoa học. Ảnh: Bá Thắng.

                          PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, cần tăng tính tự chủ để các viện có cơ chế hợp tác, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, qua đó                             tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cho cán bộ khoa học. Ảnh: Bá Thắng.

Được tự chủ trong nghiên cứu

Là nhà khoa học, tự do sáng tạo là vấn đề lớn. Ai cũng muốn được làm điều mình đam mê, theo đuổi. Không được sáng tạo, phải làm theo kế hoạch đã được phê duyệt, thì cũng gần giống như bắt nhà khoa học làm hành chính, đảm bảo 8 giờ vàng ngọc theo yêu cầu của Nhà nước là được.

Làm sao để nhà khoa học không làm 8 giờ, mà sẽ suy nghĩ cả lúc về nhà, thì khoa học mới phát triển. Muốn vậy, phải khuyến khích, phải tạo điều kiện tối đa cho họ làm việc theo hướng mà họ yêu thích. Và càng làm được nhiều việc có kết quả tốt, thì thu nhập sẽ càng cao hơn.

Vấn đề lớn hiện nay: Chứng từ tài chính 

Hiện nay, tôi nghe nói cán bộ không muốn làm thêm các đề tài hợp tác quốc tế, hay các đề tài với các tỉnh nữa, vì có làm thêm 1, 2 đề tài/dự án nữa thì trong một ngày chỉ được lãnh một đầu lương, 8 giờ thôi.

Như vậy, đến cuối năm, tiền lại dư ra, do không lãnh thêm được. Chắc việc này nên được xem lại, nếu không sẽ không ai muốn tham gia giải quyết các vấn đề của các tỉnh hay nâng cấp công nghệ qua hợp tác với các tổ chức quốc tế. Vậy, luật về tài chính như hiện nay, có nên được xem xét lại hay không. Tôi nghĩ là nên.

Tôi đã trình bày cách vận hành của 1 viện nghiên cứu bên New Zealand, rất khác với cách của Việt Nam mình. Họ vận hành viện như một công ty, thuê CEO về điều hành, cái gì nông dân/doanh nghiệp cần, nhà xuất khẩu cần, là rất tích cực để được tham gia, qua đó, tạo việc làm cho nhà khoa học.

Ở mình, hiện vướng luật ngân sách, và số biên chế trên đã giao về, nên chưa hoạt động hiệu quả và năng động như họ được. 

                               PGS.TS Nguyễn Minh Châu đề xuất nên thí điểm cho các viện được tự chủ, trước mắt về biên chế và chọn vấn đề nghiên cứu. Ảnh: Bá Thắng.

                 PGS.TS Nguyễn Minh Châu đề xuất nên thí điểm cho các viện được tự chủ, trước mắt về biên chế và chọn vấn đề nghiên cứu. Ảnh: Bá Thắng.

Vậy thì, có nên cho một vài viện làm thí điểm, qua đăng ký, xem tinh thần say sưa nghiên cứu có tăng lên không, thu nhập quá thấp hiện nay có được cải thiện không? Tôi nghĩ nên thay đổi, để ít nhất là hầu hết các nhà khoa học đầu ngành của các viện say sưa với công việc. 

Như vậy, nên cho các viện được tự chủ, trước mắt về biên chế, về chọn vấn đề nghiên cứu, theo mô hình của các viện bên New Zealand. Về kinh phí, cho tự chủ ít nhất 30% kinh phí cấp cho nghiên cứu đang được cấp hiện nay để các viện nhanh chóng giải quyết các vấn đề của sản xuất, mà không đợi Bộ cho phép. 

Tất nhiên, nên khuyến khích để làm thêm việc, tham gia giải quyết các yêu cầu của các địa phương, của hợp tác quốc tế thì sẽ được tăng thêm thu nhập.

https://nongnghiep.vn/

Liên kết