Góp ý xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Ngày 26/10/2023 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo Góp ý hồ sơ xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định.

Toàn cảnh Hội thảo.

Luật TC&QCKT được Quốc hội thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến TC&QCKT.

Qua thực tiễn 17 năm thi hành Luật TC&QCKT, hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL) được nâng lên cả về chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế; góp phần nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay Luật TC&QCKT đã bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp cho biết, để hệ thống TC&QCKT hoàn thiện về cả số lượng và chất lượng, đồng thời hướng tới tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế như: tăng cường các tiêu chuẩn phát triển bền vững - đây là mục tiêu rất quan trọng của ISO và các nước trong khu vực, trong đó có ở Việt Nam; tiêu chuẩn hướng đến các sản phẩm, dịch vụ cụ thể của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là sản phẩm chủ lực và trọng điểm của các địa phương… 

 

Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục TCĐLCL) Nguyễn Văn Khôi cho biết, qua kết quả rà soát cho thấy, trong thực tiễn thi hành Luật TC&QCKT có một số bất cập như chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế theo các FTA thế hệ mới; chưa thống nhất một chương trình đánh giá đồng bộ; một số luật có các điều khoản, quy định chồng chéo với các quy định trong Luật TC&QCKT… ảnh hưởng đến việc tổ chức thi hành Luật trong thời gian vừa qua. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến TC&QCKT nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc giữa Luật TC&QCKT và các luật liên quan; bảo đảm tương thích với yêu cầu quốc tế... là hết sức cần thiết. 

 

Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn Nguyễn Văn Khôi báo cáo tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi của Luật TC&QCKT sau khi được ban hành, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm sự tương thích giữa quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết trong lĩnh vực TC&QCKT và đánh giá sự phù hợp; đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động KH,CN&ĐMST. Đây cũng là cơ sở để cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành, địa phương. “Sửa đổi Luật TC&QCKT là công việc rất khó khăn, bởi vì nó tác động rất lớn tới các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế - xã hội. Hội thảo đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến đầy tâm huyết, mang hơi thở cuộc sống và đây là nền tảng để Bộ KH&CN tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật; tổng hợp, báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội”, Thứ trưởng Lê Xuân Định bày tỏ.

Thứ trưởng mong rằng, thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nhận được ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học… để hoàn thiện Dự thảo Luật.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu kết luận Hội thảo.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Liên kết