Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo

Trước những yêu cầu thực tiễn mới của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST), Ban Điều hành Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) đã biểu quyết và thống nhất kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn tiếp theo, trong đó trọng tâm là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về KNST một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất; phát triển hệ sinh thái theo chiều sâu, theo ngành, lĩnh vực, địa phương và lấy hệ thống trung tâm hỗ trợ KNST, trung tâm ĐMST làm hạt nhân phát triển.

Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp theo chiều sâu

Cuộc họp năm 2024 của Ban Điều hành Đề án 844 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh tiến tới năm 2025 là năm cuối triển khai Đề án, cần có hoạt động tổng kết, đánh giá kết quả Đề án cũng như hệ sinh thái KNST ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2025 từ đó, nghiên cứu, xây dựng chương trình Đề án cho giai đoạn tiếp theo đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ KNST từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, với nhiều mô hình hoạt động khác nhau. Các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, giao cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội (Đề án 844, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - Đề án 939, Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp - Đề án 1665, Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…) được triển khai tích cực, có sự phối hợp, liên kết với nhau để hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một hệ sinh thái KNST phát triển bền vững, toàn diện.

Bên cạnh đó, đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ KNST từ khu vực tư nhân, khu vực công và các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú. Tính tới nay, 60/63 tỉnh, thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 844 tại địa phương; khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; 84 vườn ươm và 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên toàn quốc. Trong năm vừa qua, nhiều trung tâm hỗ trợ KNST quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian ĐMST tại Việt Nam, điển hình có thể kể đến sự xuất hiện của “Không gian khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng - Seoul” tại Đà Nẵng, Trung tâm K-Startup trực thuộc Cơ quan hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (KOSME) tại Hà Nội...

 

Toàn cảnh buổi họp Ban Điều hành Đề án 844.

Hiện đang có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và đầu tư cho các startup Việt Nam, trong đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Số lượng nhà đầu tư thiên thần tuy không quá lớn nhưng cũng đang tăng dần, có 3 tổ chức lớn hoạt động năng động nhất bao gồm: Vietnam Silicon Valley Accelerator, CLAS ExparaVietnam Accelerator và Vietnam Startup Acceleration Fund. Tuy nhiên, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động KH,CN&ĐMST của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện, mức đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển còn thấp và có xu hướng sụt giảm trong thời gian qua. Do đó, nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái KNST quốc gia là mục tiêu trọng tâm và nhu cầu bức thiết trong giai đoạn đầu triển khai các đề án hỗ trợ khởi nghiệp của Bộ KH&CN cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh đánh giá, thời gian qua, hệ thống ĐMST quốc gia và hệ sinh thái KNST quốc gia đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng, thành tựu KH&CN. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm để đưa hệ sinh thái KNST sang một trang mới. Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Minh cũng chỉ ra hạn chế hiện nay đó là, chưa có sự thống nhất, đầy đủ trong các quy định về định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ cho các đối tượng hoạt động KNST và ĐMST. Theo thống kê, có khoảng trên 30 thuật ngữ được sử dụng để nói về KNST, ĐMST và không phân biệt được giữa KNST với ĐMST. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện nay, các thuật ngữ KNST, ĐMST được sử dụng theo các cách hiểu khác nhau gây ra sự thiếu chuẩn xác, không thống nhất... trong thực thi các hoạt động chuyên môn, xây dựng các chính sách hỗ trợ và trong công tác quản lý nhà nước. 

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, là cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động ĐMST và khởi nghiệp ĐMST, Bộ KH&CN nhận thấy cần có một khuôn khổ pháp lý để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN chưa được ban hành.

Vì vậy, Bộ KH&CN đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một Nghị định về ĐMST và khởi nghiệp ĐMST để tháo gỡ những vướng mắc cũng như có những chính sách đặc thù ưu đãi, nhất là cho các tổ chức lớn, nòng cốt.

 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại buổi họp.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về KNST

Trong giai đoạn tiếp theo, để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong đó đặc biệt hướng tới làm rõ nội hàm ĐMST, KNST, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan là ưu tiên cần làm về mặt chính sách. Ban Điều hành Đề án 844 đã thảo luận và đề xuất những chính sách ưu đãi, khuyến khích mang tính trọng tâm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tổ chức ĐMST, tổ chức KNST tại các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn... một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Đặc biệt là những cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính sẵn có từ trong nước, nước ngoài, thúc đẩy ĐMST mở, phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực; cơ chế tài chính đặc thù cho các hoạt động đào tạo, ươm tạo cho KNST.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN chia sẻ về định hướng triển khai Đề án 844 trong thời gian tới. Theo đó, cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi trực tiếp; tạo hành lang pháp lý thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực cho doanh nghiệp KNST và hành lang pháp lý chi tiết về đối tượng quản lý trong hệ sinh thái KNST (định danh các đối tượng, quy định chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị hỗ trợ…). 

Bên cạnh đó, tăng cường cơ chế phối hợp hoạt động giữa các bộ, ban, ngành, địa phương từ cấp trung ương đến cấp triển khai cụ thể nhằm thống nhất định hướng, chia sẻ nguồn lực phù hợp đối với hệ sinh thái KNST. Trong đó, lấy hệ thống trung tâm KNST cấp quốc gia, cấp vùng, cấp địa phương đã và đang hình thành làm hạt nhân để kết nối và trực tiếp triển khai các hoạt động kết nối. Nghiên cứu tiếp tục triển khai hoặc điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của hệ sinh thái giai đoạn hiện nay đối với các Chương trình, Đề án của các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới. 

Đặc biệt, thúc đẩy hệ sinh thái KNST trong các ngành, lĩnh vực, gắn với vai trò quản lý nhà nước của các Bộ chuyên ngành trong việc thúc đẩy hình thành và phát triển hệ sinh thái với các đặc tính, thành tố khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Tăng cường phối hợp, khơi thông, thu hút nguồn lực về vốn, tài chính, cơ sở hạ tầng, chuyên gia từ khu vực công, khu vực tư nhân và lực lượng chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài cho KNST. 

Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư từ các cá nhân, tổ chức, quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước, quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư của Việt Nam, các quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Nhanh chóng nắm bắt và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam để vượt qua giai đoạn khó khăn trong thu hút vốn đầu tư trên toàn thế giới.

Trên cơ sở các nội dung trên, Ban Điều hành cũng thảo luận và thống nhất về việc tổ chức đánh giá kết quả triển khai Đề án 844 trong năm 2024-2025 để trình Thủ tướng Chính phủ chương trình quốc gia phát triển hệ sinh thái KNST giai đoạn 2026-2035. 

 

Các đại biểu chụp ảnh tại buổi họp. 

Nguồn: https://www.most.gov.vn/

 

Liên kết