Ngày 23/3/2023, tại Hưng Yên, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ tổ chức Hội nghị công bố nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Nghĩa Trai” dùng cho sản phẩm dược liệu của huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Dự và chủ trì Hội nghị có ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ; Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Giám đốc Sở Công thương; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ngành; phòng Kinh tế hạ tầng, Hội Nông dân huyện Văn Lâm; Lãnh đạo xã Tân Quang; Hội nông dân xã Tân Quang và một số hộ, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu tại xã Tân Quang.
Tỉnh Hưng Yên hiện có trên 850 ha trồng cây dược liệu, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Văn Lâm, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên, trong đó đặc biệt phải kể đến huyện Văn Lâm với "vựa dược liệu" quý tập trung lớn nhất ở xã Tân Quang với truyền thống trồng các loại cây dược liệu. Hiện nay, cả xã có trên 56ha trồng cây dược liệu, tập trung ở thôn Nghĩa Trai, Tăng Bảo... Với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệm, kiến thức nên những năm gần đây, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng và tập trung vào những loại cây cho giá trị kinh tế cao như cúc chi, địa liền, hoắc hương, kinh giới, tía tô, mã đề... Nghề trồng cây dược liệu đã làm giàu cho hàng trăm hộ dân trong xã Tân Quang. Theo tính toán của các hộ dân, trung bình 1 sào trồng dược liệu có thể cho thu lãi thấp nhất là 10 triệu đồng/năm, thậm chí lên đến 30 - 40 triệu đồng/năm...
Việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Nghĩa Trai” dùng cho sản phẩm dược liệu của huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm, góp phần nâng cao được giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm dược liệu của địa phương, tăng đóng góp vào ngân sách địa phương góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện Văn Lâm nói riêng và của tỉnh Hưng Yên nói chung. Trên cơ sở đó, xác định các tiêu chí chất lượng đặc thù của sản phẩm dược liệu mang nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Nghĩa Trai”, từ đó tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm. Thiết lập các điều kiện, phương tiện phục vụ quản lý và khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Nghĩa Trai”. Xây dựng và vận hành mô hình tổ chức quản lý hệ thống nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Nghĩa Trai”, khai thác và quản lý có hiệu quả trên thực tế. Đặc biệt, phát triển thị trường nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Nghĩa Trai” thông qua các kênh tiêu thụ, định hướng cho các doanh nghiệp, cá nhân trong việc mở rộng trồng, chế biến, kinh doanh sản phẩm.
Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ đã đề xuất và thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Dược liệu Nghĩa Trai dùng cho các sản phẩm được liệu của huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên”. Dự án đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ đăng ký, thiết lập hệ thống văn bản quản lý, phát triển nhãn hiệu; thiết kế logo, tiêu chí cho sản phẩm Dược liệu Nghĩa Trai và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Quyết định số 2297w/QĐ-SHTT ngày 20/02/2023.
Tại Hội nghị công bố Nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Nghĩa Trai”, ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thừa ủy quyền của Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 444863 cho Hội Nông dân xã Tân Quang là chủ sở hữu.
Cũng tại Hội nghị công bố, Bà Nguyễn Thanh Thuý, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Quang đã trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Dược liệu Nghĩa Trai lần 1 cho 01 HTX và 19 hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề này.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Bùi Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quang, huyện Văn Lâm và Bà Nguyễn Thanh Thuý, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Quang đều vui mừng và nhận thấy trách nhiệm lớn lao của địa phương, của tổ chức trong việc tiếp tục xây dựng, duy trì và phát triển mạnh mẽ nhãn hiệu, thương hiệu Dược liệu Nghĩa Trai trong thời gian tới.
Bên cạnh đó cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và các ban, ngành của tỉnh, của huyện tiếp tục hỗ trợ Tân Quang nói chung và các hộ, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu Nghĩa Trai trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất hiệu quả, bền vững và đặc biệt là ứng dụng công nghệ vào bảo quản, chế biến dược liệu an toàn và tăng cường xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu Nghĩa Trai trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu và thực hiện dự án của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ, với kinh nghiệm và sự nhiệt huyết của mình, đã thực hiện đầy đủ các nội dung, đảm bảo tiến độ và thực hiện Hội nghị công bố nhãn hiệu một cách trang trọng, hiệu quả.
ThS. Nguyễn Xuân Hải cũng đánh giá rất cao sự phối hợp của các cơ quan liên quan, đặc biệt là lãnh đạo xã Tân Quang trong việc phối hợp thực hiện thành công dự án. Đồng chí Phó Giám đốc Sở cho rằng Nhãn hiệu tập thể Dược liệu Nghĩa Trai cũng sẽ là cơ sở, công cụ pháp lý hữu hiệu để bà con trồng, chế biến dược liệu sử dụng, khai thác và bảo vệ giá trị sản phẩm của mình. Đây là niềm tự hào của địa phương, của người sản xuất, nhưng cũng là thách thức đặt ra cho địa phương và tổ chức cũng như các hộ sản xuất kinh doanh dược liệu Nghĩa Trai nói chung và tại xã Tân Quang nói riêng trong việc duy trì, xây dựng và phát triển hiệu quả, bền vững nhãn hiệu. Bên cạnh đó, đồng chí cũng gợi ý việc phát triển nhãn hiệu cần kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, làng nghề,… để tăng cường sự giao lưu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm Dược liệu Nghĩa Trai.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hải cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương, nhất là Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ cần tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc hỗ trợ địa phương phát triển thương hiệu, bền vững hiệu quả trong thời gian tới.
Đình Vương - Trường Long.