Hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất giống lúa Gia Lộc 516

Ngày 19/9/2024, tại xã Minh Tiến - huyện Phù Cừ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần - Viện cây lương thực và cây thực phẩm tổ chức Hội thảo đầu bờ Xây dựng mô hình ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống lúa mới Gia Lộc 516 tại một số địa phương tỉnh Hưng Yên.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Dự và chủ trì hội nghị có ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện Lãnh đạo các Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội Nông dân tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh; Lãnh đạo UBND huyện Phù Cừ; các Phòng Kinh tế; phòng Kinh tế và Hạ tầng; phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện, thị xã, thành phố; Đại diện lãnh đạo UBND; Hội Nông dân, Hợp tác xã các xã tham gia mô hình và gần 70 hộ dân tham gia triển khai mô hình.

Các đại biểu tham quan trực tiếp mô hình ngoài đồng ruộng

Các đại biểu được thăm quan trực tiếp mô hình tại đồng ruộng tại xã Minh Tiến - huyện Phù Cừ  và nghe báo cáo vụ Mùa năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 5 mô hình trồng giống lúa Gia Lộc 516 ở các huyện Văn Lâm, Kim Động, Phù Cừ và Tiên Lữ, với diện tích 100ha được ứng dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến như gieo cấy bằng máy và gieo sạ bằng máy phun hạt; tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, bón phân phân hủy chậm; phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái theo quy tắc 4 đúng (đúng thuốc - đúng liều - đúng lúc-đúng cách).

   

Các đại biểu tham quan trực tiếp mô hình ngoài đồng ruộng

 

Kết quả cho thấy, lúa Gia Lộc 516 có khả năng chống chịu sâu, bệnh hại, cứng cây và chống đổ tốt hơn so với giống đối chứng. Năng suất lúa dự kiến đạt 200-220kg/sào, cao hơn từ 20-30% so với giống đối chứng Bắc thơm số 7 (do ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 nên năng suất tất cả các giống lúa đều giảm).

   

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, các hộ dân, đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng Giống lúa Gia Lộc 516 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên của tỉnh Hưng Yên; thích ứng với điều kiện canh tác mới. Kết quả cho thấy giống lúa Gia Lộc 516 có khả năng đẻ nhánh cao, tỷ lệ nhánh hữu hiệu và số bông hữu hiệu/khóm cao; có khả năng chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại. Qua đó đã khẳng định giống lúa Gia Lộc 516 là giống có tiền năng năng suất cao đạt từ 65-70 tạ/ha. Bên cạnh đó việc ứng dụng đồng bộ giói kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất lúa nói chung và trên giống Gia lộc 516 cần tiếp tục được mở rộng, đồng thời áp dụng tốt việc cơ giới hóa vào sản xuất cũng như ứng dụng các chế phẩm sinh học và chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại an toàn cho nhân dân trong thời gian tới.

ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao sự phối hợp của các ngành, địa phương và bà con nông dân cũng như kết quả của mô hình, cho thấy được việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại sẽ giúp nông dân tiếp cận với giống mới, kỹ thuật canh tác mới tiết kiệm được chi phí đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng lúa, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải phóng sức lao động và phù hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiến tới hình thành các vùng sản xuất lúa quy mô lớn, góp phần bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, đặc biệt đã được thử thách qua đợt siêu bão số 3 diễn ra ngày 7-8/9/2024 cho thấy được tính ưu việt của giống lúa này và hiệu quả từ gói kỹ thuật canh tác tiên tiến được áp dụng.

ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu kết luận Hội thảo

Đồng chí Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Xuân Hải cũng đề nghị trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, các địa phương và Trung tâm phát triển lúa thuần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mới có nguồn gốc sinh học, thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch. Trước mắt, khẩn trương phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch và các phương án đề nghị tiếp tục triển khai tiếp các nội dung của năm 2025 đảm bảo tiến độ, thời vụ trong thời gian tới./.

Trường Long

 

Liên kết