Hội nghị sở hữu trí tuệ toàn quốc năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 09/3/2022, tại Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị sở hữu trí tuệ toàn quốc năm 2023 nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2022, đồng thời bàn thảo những định hướng lớn cho hoạt động SHTT trong năm 2023.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang; Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức đại diện SHCN từ 62 Sở KH&CN trên cả nước.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang đặt ra nhiều yêu cầu trong năm 2023 và các năm tiếp theo. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo hướng lồng ghép SHTT trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Do đó, quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Bộ trưởng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết, do vậy, thông qua Hội nghị này Bộ KH&CN sẽ có thêm những luận cứ xác thực để giải trình những vấn đề trong Luật SHTT sửa đổi để hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, ban hành, cũng như có những định hướng đúng trong chỉ đạo triển khai thực hiện Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2030. Đồng chí Bộ Trưởng cũng đề nghị mỗi một địa phương cần có những đề xuất, tham mưu để hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp để khai thác các chính sách khai thác tài sản trí tuệ, biến tri thức thành của cải vật chất để phát triển xã hội. đồng thời cũng cần tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động sở hữu trí tuệ.

Báo cáo tại hội nghị, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết trong giai đoạn 2013 - 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,11%/năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của số đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam đang tăng lên nhanh hơn so với đơn của chủ thể nước ngoài.

Điều đó cho thấy, các tổ chức, cá nhân trong nước bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đối tượng sở hữu trí tuệ này. Đồng thời, tổng số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích trong 1 thập kỷ vừa qua của chủ thể Việt Nam lớn gấp hơn 2,27 lần so với đơn của chủ thể nước ngoài; tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam là 8,82%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng của chủ thể nước ngoài.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Thừa Thiên Huế rất chú trọng đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Tập trung phát triển khoa học và công nghệ theo cơ chế thị trường, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Hỗ trợ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay toàn tỉnh có 2.041 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 1.196 Giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 107 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp 82 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 80 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp 18 văn bằng bảo hộ độc quyền.

Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT được triển khai, duy trì hàng năm như: Thường xuyên cập nhật các thông tin về SHTT trên trang Thông tin điện tử Sở KH&CH, Bản tin KHCN, Báo Thừa Thiên Huế; Tuyên truyền, phổ biến kiến thức chuyên mục về SHTT phát trên sóng của Trung tâm truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên; Tổ chức đoàn đi ập huấn, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về SHTT tại Cục SHTT cho các cán bộ phụ trách KHCN của các huyện, thị xã và thành phố Huế và tổ chức đoàn là cán bộ thuộc Sở KHCN đi tham dự học tập, trao đổi kinh nghiệm về kinh nghiệm quản lý, phát triển TSTT tại tỉnh Bình Dương, Tiền Giang. Đã biên soạn, phát hành các tài liệu, sổ tay hướng dẫn về thủ tục đăng ký xác lập quyền SHTT; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đào tạo 5 lớp tập huấn phổ biến kiến thức về Luật SHTT cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Năm 2022, đã tổ chức Hội thảo KH&CN cấp tỉnh về Tạo lập, quản lý và khai thác TSST trong phát triển du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Triển lãm sản phẩm du lịch quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ trong du lịch, đặc biệt là các sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 2 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 49 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm. Hiện tại đang làm thủ tục bảo hộ 02 chỉ dẫn địa lý và nhiều nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể khác.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên đề về sở hữu trí tuệ, gồm: Thực trạng và định hướng phát triển hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương: Tiếp cận từ tỉnh Thừa Thiên Huế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 – những vấn đề đặt ra cho hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 – những vấn đề đặt ra cho hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương; Xây dựng và triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ tại thành phố Cần Thơ; Đổi mới và nâng cao hiệu quả phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh. Đồng thời thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến về bảo hộ tài sản trí tuệ, nâng cao hiệu quả tài sản trí tuệ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ tại các địa phương...

Dự hội nghị tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đoàn Hưng Yên do ThS. Nguyễn Xuân Hải – Phó Giám đốc Sở cùng Lãnh đạo phòng Quản lý chuyên ngành. Đoàn đã tham dự Hội nghị và tham quan triển lãm trưng bày các gian hàng, các sản phẩm vè sở hữu trí tuệ của tỉnh Thừa Thiên Huế và của các tỉnh thành trong cả nước.

Dịp này, Bộ KH&CN và tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động sở hữu trí tuệ. Tỉnh Hưng Yên có Đồng chí Đỗ Thị Tô Quyên - Phó Trưởng phòng Quản lý Chuyên nghành - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên được Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về SHTT năm 2022.

Qua Hội nghị này đã mở ra cho Hưng Yên nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì, phát triển 01 chỉ dẫn địa lý nhãn lồng Hưng Yên và 30 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc thù, đặc sản, chủ lực của Hưng Yên. Bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc tiếp tục tăng cường các giải pháp phát triển sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh nhất là giải pháp về xúc tiến, tiêu thụ, phát triển những sản phẩm có sẵn và phát triển các sản phẩm trong doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới./.

Tô Quyên - Trường Long - Hồ Phúc.

 

Liên kết