Ngày 19/12/2023, tại xã Lương Tài (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Văn Lâm tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng, nhân rộng mô hình trồng hoa cúc chi tại huyện Văn Lâm”.
Toàn cảnh Hội nghị
Dự và Chủ trì hội thảo có Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo UBND huyện Văn Lâm; đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở; Đại diện phòng Kinh tế - Hạ Tầng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lâm; Đại diện HTX dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú (đơn vị cung ứng giống) và gần 50 HTX và hộ nông dân tham gia và có nhu cầu sản xuất cúc dược liệu trên địa bàn huyện.
Các đại biểu thăm qua, thảo luận trực tiếp tại mô hình
Các đại biểu đã được tham quan, trao đổi trực tiếp tại mô hình sản xuất cúc dược liệu và tham gia thảo luận tại hội trường.
KS. Nguyễn Hải Ninh - Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện mô hình
Báo cáo tại hội nghị, KS. Nguyễn Hải Ninh - Đại diện đơn vị hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho biết mô hình được thực hiện từ tháng 3/2023 với quy mô 11 ha của 113 hộ dân tại xã Việt Hưng và xã Lương Tài với tổng số 1.265 nghìn hom giống. Thông qua mô hình, các hộ tham gia được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, giới thiệu ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch.
Các đại biểu thăm qua, thảo luận trực tiếp tại mô hình
Đến nay, các diện tích hoa cúc chi đã và đang trong quá trình thu hoạch. Năng suất trung bình đạt 12.000kg hoa tươi/héc-ta. Kết quả hạch toán sơ bộ hiệu quả kinh tế của mô hình đạt lãi thuần trên 243 triệu đồng/ha/vụ.
Hoa cúc chi và hình ảnh thu hoạch hoa cúc chi
Tại các diện tích trồng hoa cúc chi, người nông dân có thể kết hợp trồng thêm lúa hoặc rau theo mô hình: Lúa – cúc chi; rau – cúc chi… đảm bảo mục tiêu đề ra, xây dựng vùng nguyên liệu Hoa cúc chi với quy mô trên 10- 20ha/năm và có liên kết sản xuất trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa giống Hoa cúc chi chất lượng, năng suất và đưa ra quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cho các hộ nông dân.
Hoa cúc chi và hình ảnh thu hoạch hoa cúc chi
Duy trì, giữ vững và phát triển nghề trồng hoa cúc chi làm dược liệu trên địa bàn huyện; hình thành khu du lịch kết hợp du lịch tâm linh Chùa Nôm, làng Nôm và du lịch sinh thái, khu thăm quan và điểm check in vùng Hoa cúc chi cho các du khách trong và ngoài tỉnh,…
Hội nghị cũng nghe 09 ý kiến trao đổi về công nghệ, tiềm năng, khả năng ứng dụng, nhu cầu ứng dụng kết quả và các phương thức triển khai ứng dụng hiệu quả các kết quả này vào phát triển vùng dược liệu ở Hưng Yên. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ sớm hoàn thiện quy trình, tính toán hiệu quả kinh tế và xây dựng kế hoạch chuyển giao mở rộng mô hình ra thực tiễn trên địa bàn huyện Văn Lâm. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, công nghệ thu hái, sơ chế, chế biến và bảo quản hoa cúc dược liệu đảm bảo an toàn, bền vững.
Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến kết luận
Phát biểu Kết luận hội nghị, Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân đánh giá cao kết quả thực hiện mô hình trồng cúc dược liệu tại huyện Văn Lâm. Các đơn vị đã phối hợp tốt cùng với địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch triển khai, chọn địa điểm, giống, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn người dân và tiến hành thực hiện mô hình trên diện tích 11ha/113 hộ dân tại xã Lương Tài và Việt Hưng; Trồng 1.265.000 cây hom giống cho năng suất bình quân đạt 12 tấn hoa tươi/ha. Bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế lãi thuần đạt 243 triệu/ha/vụ. Kết quả của mô hình đã được người dân chủ động về kỹ thuật thực hiện thành thạo các khâu canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến hoa cúc dược liệu. Đặc biệt những hộ chưa tham gia mô hình đều có nguyện vọng được tham gia và mở rộng mô hình trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị trong thời gian tới Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN tiếp tục phối hợp với đơn vị chuyển giao và UBND huyện Văn Lâm hoàn thiện quy trình kỹ thuật phù hợp với Văn Lâm, xây dựng kế hoạch để chuyển giao cho nhân dân. Bên cạnh đó Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân cũng đề nghị HTX dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú (đơn vị cung ứng giống) tiếp tục phối hợp với Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN hỗ trợ, chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung và công nghệ sản xuất cúc dược liệu nói riêng. Bà Ngân cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân và người dân Hưng Yên tiếp tục phối hợp với Trung tâm , với Sở Khoa học và Công nghệ, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu khoa học để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả những thành tựu về KH&CN áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống trong thời gian tới.
Trường Long.