Ngày 06/12/2023, tại Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN đã tổ chức Hội nghị thăm quan tổng kết nhiệm vụ “Mô hình ứng dụng công nghệ khí canh trồng cà chua nhỏ tại Hưng Yên”
Các đại biểu thăm quan trực tiếp tại mô hình
Dự và Chủ trì hội thảo có ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo Viện Sinh học nông nghiệp (cơ quan chuyển giao công nghệ); đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; các phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở; Đại diện phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Hội Nông dân thành phố Hưng Yên vào gần 30 HTX và hộ nông dân có nhu cầu sản xuất cà chua công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu thăm quan và trao đổi trực tiếp tại mô hình
Các đại biểu đã tham quan trực tiếp mô hình sản xuất cà chua bi ăn trực tiếp theo công nghệ khí canh được thực hiện tại nhà khí canh thuộc Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN và tham gia thảo luận tại hội trường.
KS. Đỗ Văn Đương – Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ
Báo cáo tại hội nghị, KS. Đỗ Văn Đương – Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết Công nghệ khí canh (Aeroponics technology) được TS. Franco Massatini nghiên cứu và phát triển lần đầu tiên tại trường đại học Pia ở Italia. Hệ thồng này bao gồm các ống phun dung dịch đặt trong các thùng xốp nuôi cây. Sau đó, các nhà khoa học Israel đã cải tiến và cho ra đời hệ thống Ein Geidi System (EGS) với sự kết hợp giữa kỹ thuật canh tác màng mỏng dinh dưỡng (NFT) và kỹ thuật khí canh, một phần rễ cây được tưới trực tiếp dung dịch dinh dưỡng và cây được tăng cường cung cấp oxy.
Cà chua tại nhà khí canh
Trung tâm đã ứng dụng công nghệ khí canh này thực hiện sản xuất 03 giống cà chua Pareso; Golden Chery; Thúy Hồng trên diện tích 200m2 nhà khí canh cho thấy kết quả ươm gieo 03 giống cây cà chua sau 25 ngày cho thấy thấy tỉ lệ cây sống và STPT tốt sau 25 ngày là 80,10%, chiều cao cây đạt trung bình từ 8-10 cm, số lá thật là 6 lá, các cây giống đều khỏe, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng khi trồng trên hệ thống khí canh. Số cây giống này được trồng chuyển tiếp trên bồn khí canh sau 10-30 ngày rất khỏe, tỉ lệ sống rất cao từ 93,50 - 98,27%, sau 60 ngày tỉ lệ sống vẫn đạt gần 90,50 - 95,52%. Sau 60 ngày sau trồng tỉ lệ đậu quả cao hơn so với thời điểm 50 ngày đầu, đạt cao hơn trên 20%, và sau khi trồng được 90 ngày thì tỉ lệ nụ hoa cũng cao hơn nhiều, tỉ lệ đậu qủa cao hơn lần 1, đạt từ 40- 60% số quả/chùm hoa đạt bình quân từ 4-6 quả/ chùm so với lần đầu là 20- 40% số quả/ chùm hoa., toàn bộ số cây trên bồn khí canh đều phát triển rất tốt, ít nhiễm sâu bệnh gây hại.
Cà chua tại nhà khí canh
Thông qua nhiệm vụ đã đào tạo được 03 kỹ thuật viên chủ động được công nghệ vận hành nhà khí canh, ứng dụng thành thạo quy trình kỹ thuật và hoàn thiện được quy trình kỹ thuật sản xuất cà chua quả nhỏ theo công nghệ khí canh. Đội ngũ kỹ thuật viên này sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các HTX, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu trong thời gian tới.
ThS. Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc Trùng tâm Thông tin, thống kê, ƯDKHCN phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Hội nghị cũng nghe 12 ý kiến trao đổi về công nghệ, tiềm năng, khả năng ứng dụng, nhu cầu ứng dụng kết quả và các phương thức triển khai ứng dụng hiệu quả các kết quả này vào phát triển kinh tế nông nghiệp ở Hưng Yên.
Các đại biểu tham gia thảo luận
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN sớm hoàn thiện quy trình, tính toán hiệu quả kinh tế và xây dựng kế hoạch chuyển giao mở rộng mô hình ra thực tiễn và các đại biểu cũng sẵn sàng tiếp nhận công nghệ này vào sản xuất cà chua quả nhỏ ăn trực tiếp vào sản xuất trong thời gian tới.
ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao mô hình cà chua được thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và đời sống cho nhân dân. ThS. Nguyễn Xuân Hải cũng đánh giá cao tinh thần trao đổi của các đại biểu, các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phản ánh thực tiễn và đề xuất được các nhu cầu về chuyển giao, ứng dụng KH&CN này vào sản xuất.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị trong thời gian tới Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật, xây dựng kế hoạch để chuyển giao cho nhân dân. Bên cạnh đó ThS. Nguyễn Xuân Hải cũng đề nghị Viện Sinh học nông nghiệp (cơ quan chuyển giao công nghệ) tiếp tục phối hợp với Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung và công nghệ sản xuất cà chua công nghệ cao nói riêng.
Ông Nguyễn Xuân Hải cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân và người dân Hưng Yên tiếp tục phối hợp với Trung tâm , với Sở Khoa học và Công nghệ, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học và các tổ chức nghiên cứu khoa học để tiếp cận và ứng dụng hiệu quả những thành tựu về KH&CN áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống trong thời gian tới.
Trường Long.