Hội nghị thảo luận về công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng của tỉnh.

Ngày 11/4/2023 tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên diễn ra Hội nghị thảo luận về công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng của tỉnh.

Dự và chủ trì hội nghị có ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Ngô Xuân Thái - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hưng Yên; Ông Nguyễn Hùng Cường - PCT UBND huyện Ân Thi, Ông Vũ Xuân Thủy - PCT UBND huyện Phù Cừ; lãnh đạo phòng Kinh tế, phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên; Đại diện phòng, đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Công ty TNHH Tài sản trí tuệ Việt; Ban Chấp hành Hội nhãn lồng tỉnh Hưng Yên và các hộ sản xuất nhãn tiêu biểu trong tỉnh.

Phát biểu đề dẫn, ThS. Trần Tùng Chuẩn đã đánh giá sơ bộ tình hình phát triển tài sản trí tuệ của Hưng Yên, trong đó đến nay đã đăng ký 31 đơn và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ 30 sản phẩm gồm 01 chỉ dẫn địa lý và các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. ThS. Trần Tùng Chuẩn cũng đánh giá rất cao tình hình xây dựng, duy trì và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu này, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã phát huy được hiệu quả của thương hiệu, tạo được các vùng nguyên liệu, xây dựng, thực hiện và quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, trong đó có vai trò rất lớn của Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên đã thực hiện tốt việc xây dựng, duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý trong thời gian qua.

Qua đây, đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Tùng Chuẩn cũng cho thấy rõ việc bất cập trong quản lý, cấp quyền cũng như mở rộng vùng bảo hộ cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên bởi đến nay mới chỉ bảo hộ được 04/10 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh, do đó chưa phát huy được hiệu quả và tiềm năng trong phát triển nhãn lồng tỉnh Hưng Yên.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH Tài sản trí tuệ Việt cho thấy cần thực hiện nhiệm vụ Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm phân tích, đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh sản phẩm phục vụ việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; Bên cạnh đó hoàn thiện hệ thống văn bản, công cụ quản lý chỉ dẫn địa lý và các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đồng thời xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhận diện và các công cụ quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu vùng trồng, công cụ quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Muốn được như vậy cần thiết phải tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho cả hệ thống quản lý và người dân, bên cạnh đó thiết lập quản lý và phát triển mạnh các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị gắn với quản lý chất lượng, mã số vùng trồng và xuất khẩu.

   

Trao đổi tại hội nghị đã có 07 ý kiến của Lãnh đạo UBND các huyện, Chủ tịch Hội nhãn lồng Hưng Yên, các hộ dân đều cho thấy tầm quan trọng và hiệu quả của chỉ dẫn địa lý trong thời gian qua. Các đại biểu cũng thống nhất đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu đề xuất mở rộng vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trước mắt tập trung mở rộng thêm 02 huyện là huyện Phù Cừ và Ân Thi; nghiên cứu đề xuất xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm đặc sản, đặc thù của của tỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong thời gian tới.

   

Các đại biểu cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hỗ trợ Hội Nhãn lồng tỉnh Hưng Yên kiện toàn bộ máy Ban chấp hành, đại hội và xây dựng được quy chế hoạt động của Hội để phục vụ tốt công tác quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.

Một số đại biểu đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục hướng dẫn và cấp mở rộng các đối tượng được hưởng quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nhãn lồng trong tỉnh để phát huy hiệu quả chỉ dẫn nhãn lồng, đồng thời hỗ trợ công tác bảo quản chế biến để phục vụ xuất khẩu.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ThS. Trần Tùng Chuẩn đánh giá rất cao vai trò của Hội Nhãn lồng, Công ty TNHH Tài sản trí tuệ Việt, sự phối hợp của các sở, ngành, của các địa phương và đặc biệt là người dân sản xuất vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong thời gian qua đã từng bước phát huy, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xúc tiến thương mại, phát triển chỉ dẫn địa lý nhãn lồng trong thời gian qua. Đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị các cơ quan, địa phương, các tổ chức và cá nhân tiếp tục phối hợp, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, thâm canh nhãn, bảo quản, chế biến và xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Đồng chí Trần Tùng Chuẩn nhất trí trong việc đề xuất mở rộng vùng bảo hộ chỉ dẫn địalý nhãn lồng sang huyện Phù Cừ, Ân Thi và giao Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng KH&CN phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các cơ quan liên quan tăng cường hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho sản phẩm nhãn lồng của tỉnh Hưng Yên gắn với kiểm soát chất lượng, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới./.

ĐÌnh Vương -Trường Long.

Liên kết