Hội nghị trực tuyến về trao đổi các giải pháp thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ nước ngoài thông qua Bộ phận đại diện KH&CN (BPĐDKHCN) ở nước ngoài

Ngày 02/8/2023 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về trao đổi các giải pháp thúc đẩy hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ nước ngoài thông qua Bộ phận đại diện KH&CN (BPĐDKHCN) ở nước ngoài.

Dự và chủ trì Hội nghị trực tuyến có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Bùi Thế Duy; Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; đại diện các cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ; 23 Văn phòng đại diện Bộ phận KH&CN tại nước ngoài và đầu cầu 63 tỉnh thành do Sở Khoa học và Công nghệ của các địa phương chủ trì.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh trong thời gian vừa qua, một số Sở KH&CN địa phương trong nước đã bám sát doanh nghiệp do địa phương quản lý, tích cực phối hợp với Bộ KH&CN triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy kết nối, chuyển giao công nghệ nước ngoài. Đồng thời, với sự tham gia tích cực, chủ động của một số BPĐDKHCN ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, nên bên cạnh việc cung cấp thông tin phản hồi đặt hàng công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức trong nước, các BPĐDKHCN đã tìm kiếm và gửi về nước nhiều thông tin về công nghệ nước ngoài, xu hướng phát triển công nghệ cũng như phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ, giới thiệu mô hình sản xuất hiệu quả cao…Bên cạnh đó Bộ tiếp tục chỉ đạo các Cục, vụ, viện tích cực tham mưa Bộ hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư quy định tổ chức quản lý Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư hướng dẫn tài chính Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Hội nghị đã nghe 8 ý kiến trao đổi tập trung vào các giải pháp quan trọng trong chuyển giao khoa học và công nghệ hiệu quả cần phải thay đổi tư duy bởi không phải cơ chế xin cho mà chuyển giao công nghệ liên quan đến sự phù hợp của công nghệ với nhu cầu sử dụng công nghệ; liên quan đến nguồn kinh phí lớn nếu chỉ là nguồn kinh phí nhà nước (do phải xây dựng theo quy trình, thủ tục sẽ chậm, mất tính thời sự), nên chủ yếu là doanh nghiệp trực tiếp thực hiện chuyển giao công nghệ tốt hơn, nhanh hơn. Mặt khác, chuyển giao công nghệ phải cụ thể phù hợp cả bên mua và bán để có thể chuyển giao từng phần hay toàn bộ công nghệ. Hay việc kết nối cung cầu chuyển giao công nghệ trên thực tiễn phát triển rất khó, bởi bên cầu muốn trực tiếp tiếp xúc và trao đổi công nghệ với bên cung, trên cơ sở phù hợp sẽ trực tiếp kết nối mà không thông qua trung gian.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải được đầu tư và phát triển mạnh mẽ trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đủ tầm, đủ chuyên môn, kinh nghiệm để kết nối bên cung và cầu công nghệ, vấn đề này rất khó khăn với các địa phương cấp tỉnh bởi biên chế dành cho lĩnh vực này ít, khó đáp ứng được. Một số ý kiến cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần xây dựng mạng lưới, hệ thống chuyên gia về thị trường công nghệ và trung gian của thị trường công nghệ kết nối hiệu quả với các địa phương và văn phòng đại diện KH&CN ở nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hiệu quả.

ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì đầu cầu Hưng Yên

Tham gia Hội nghị, tại đầu cầu Hưng Yên, có ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Giáo dục và Đào tạo; Lao động Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Y tế; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Lãnh đạo Sở; đại diện các phòng, đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

Phát biểu tại đầu cầu Hưng Yên ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết hoạt động kết nối “cung- cầu” công nghệ: hàng năm, tỉnh tổ chức và kết nối cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia các hoạt động Chợ công nghệ và thiết bị, hoạt động trình diễn và kết nối “cung - cầu” công nghệ trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu các thiết bị công nghệ, sản phẩm KH&CN của các doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh ra bên ngoài. Thông qua các hoạt động kết nối “cung- cầu” công nghệ đã giới thiệu, chào bán nhiều sản phẩm KH&CN, công nghệ của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh cũng như tiếp nhận nhiều công nghệ mới phục vụ sản xuất, kinh doanh của địa phương.

Tuy nhiên, thị trường khoa học và công nghệ Hưng Yên còn nhiều vấn đề cần giải quyết như: Thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, chưa xây dựng được trung tâm giao dịch công nghệ; việc đánh giá trình độ công nghệ, tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai thường xuyên và còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thông tin; hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa thực hiện được nhiều dự án do hạn chế về nguồn vốn. Số doanh nghiệp KH&CN được hình thành còn ít, việc thành lập quỹ phát triển KH&CN trong các doanh nghiệp còn chậm. Doanh nghiệp chưa thể hiện được vai trò là chủ thể chính của thị trường KH&CN, thậm chí chưa tham gia thị trường KH&CN với tư cách là bên “cầu” và bên “cung” trên thị trường. Đầu tư của doanh nghiệp cho nghiên cứu và triển khai chiếm tỷ lệ ít trong tổng chi tiêu của doanh nghiệp. Rất ít doanh nghiệp có cơ sở, bộ phận chuyên trách nghiên cứu ứng dụng. Doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.  Việc xã hội hóa các hoạt động KH&CN diễn ra chưa mạnh mẽ, chưa thu hút sự tham gia đầu tư rộng rãi từ xã hội. Doanh nghiệp còn thiếu thông tin về công nghệ, thiết bị. Việc tìm kiếm và tiếp cận các nguồn công nghệ, thiết bị mới ở nước ngoài còn hạn chế. Chưa hình thành mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, viện, trường... để chuyển giao, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu KH&CN; thiếu các kỹ năng về quản trị và phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ; thiếu các kỹ năng về đàm phán và ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, thiết bị..., phần lớn thực hiện thông qua các đơn vị tư vấn, văn phòng luật sư. Mạng lưới tổ chức trung gian của thị trường KH&CN chưa hình thành đầy đủ. Các đơn vị, trung tâm có hoạt động nghiên cứu KH&CN trực thuộc các sở, ngành chủ yếu làm công việc phục vụ cho công tác KH&CN của từng ngành.

Đồng chí Trần Tùng Chuẩn cho biết trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trung ương, của tỉnh và doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn mà thị trường khoa học và công nghệ đang vướng tại Hưng Yên để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ bằng các hình thức cụ thể như:  Xây dựng kế hoạch ngay từ năm 2024 nhằm triển khai các hoạt động chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ nước ngoài để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động liên quan. Nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh ban hành chương trình thúc đẩy chuyển giao công nghệ nước ngoài với các nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Quyết định số 1851/QĐ-TTg, Quyết định số 138/QĐ-TTg để làm cơ sở để triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương trong dài hạn. Bên cạnh đó tích cực, chủ động và thường xuyên xác định nhu cầu tìm kiếm, chuyển giao CN nước ngoài “thực sự cần thiết” từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và gửi thông tin đề xuất về Bộ KH&CN. Tăng cường mối liên kết, bám sát giữa đầu mối Sở KH&CN và các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh trong việc tương tác, trao đổi thông tin hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, kết nối, chuyển giao công nghệ nước ngoài. Tăng cường giới thiệu công nghệ nước ngoài do Bộ phận đại diện KHCN cung cấp gửi về cho các doanh nghiệp, tổ chức tại địa phương thông qua các chương trình, sự kiện kết nối. Đặc biệt thời gian tới cần đẩy mạnh hoạt động đào tạo cơ bản cho hệ thống cán bộ quản lý, các chuyên gia và các doanh nghiệp nhằm phát hiện nhu cầu công nghệ, khả năng đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo; thường xuyên có những tọa đàm, trực tuyến giới thiệu về nhóm công nghệ, công nghệ mới, công nghệ theo lĩnh vực,… để doanh nghiệp Hưng Yên dễ dàng tiếp cận ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới./.

Lê Phương Đông - Trường Long.

Liên kết