Sáng ngày 21/10/2023, tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (cơ sở 2 - thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đồng tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngành dệt may, da giầy tỉnh Hưng Yên”
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Dự và Chủ trì hội thảo có ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ThS. Nguyễn Đức Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. Dự Hội thảo còn có đại diện các sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Công Thương; Sở Tài nguyên và Môi trường; Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên; các phòng, khoa, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở và Trường; Đại diện các tổ chức, các doanh nghiệp may, các chuyên gia ngành dệt may; sinh viên khoa Công nghệ may và thời trang thuộc Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên.
ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu đè dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy số lượng các doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên không ngừng tăng qua các năm. Nếu năm 2011 có 115 doanh nghiệp thì đến năm 2020 là 279 doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp dệt may giai đoạn năm 2011 đến năm 2020 là 224%, trung bình khoảng 22% mỗi năm. Trong đó, năm 2020 đã có 81 doanh nghiệp dệt và 198 doanh nghiệp may. Trong đó với trên 80% các doanh nghiệp may sản xuất theo hình thức gia công cho các đối tác hoặc thương hiệu nước ngoài theo phương thức CMT (phương thức xuất khẩu đơn giản nhất của ngành dệt may và mang lại giá trị gia tăng thấp nhất), FOB (phương thức xuất khẩu ở bậc cao hơn so với CMT; đây là hình thức sản xuất theo kiểu “mua nguyên liệu, bán thành phẩm”) nên sản phẩm làm ra chủ yếu để xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp dệt may bao gồm Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Đây là những nước có yêu cầu rất cao về sản phẩm, đặc biệt là châu Âu, các sản phẩm khi làm ra phải đạt tiêu chuẩn về sản xuất xanh, phát triển bền vững.
ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
cùng ThS. Nguyễn Đức Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên trao đổi hợp tác bên lề Hội thảo
Do đó Hội thảo được tổ chức sẽ đánh giá được thực trạng xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, bền vững tại doanh nghiệp dệt may, da giầy trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Giới thiệu các giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, đảm bảo phát triển bền vững đồng thời nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm ngành dệt may, da giầy tỉnh Hưng Yên.
Các diễn giả và đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo
Với 26 bài tham luận và hơn 20 doanh nghiệp ngành dệt may tại Hội thảo, các đại biểu được các tổ chức, cá nhân giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực dệt may đã được nghiệm thu, đánh giá và những kinh nghiệm phát triển hiệu quả, bền vững nghề dệt may, tiêu biểu như: Một số giải pháp thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên; Nghiên cứu chuyển đổi sản xuất tuần hoàn, ứng dụng AI và các công nghệ tiên tiến để phát triển bền vững, tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế của ngành dệt may; Tái chế nguyên phụ liệu giầy dép trong kinh tế tuần hoàn tại Công ty TNHH Giầy và NPL Harco; Chuyển đổi quản lý sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại các doanh nghiệp May trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ nhu cầu phát triển bền vững ngành công nghiệp Dệt may tại Việt Nam; Giải pháp sản xuất kinh doanh hướng tới phát triển bền vững: Nghiên cứu tại công ty TNHH Regina Miracle International Hưng Yên; Công nghệ phun sợi nano và một số phương pháp tái chế phế thải dệt may; Ảnh hưởng của trải nghiệm khách hàng trực tuyến tới ý định truyền miệng sản phẩm may mặc của nữ giới trong mô hình kinh tế tuần hoàn; Chiến lược hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững của Công ty Cổ phần may & Dịch vụ Hưng Long; Giải pháp hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và tuần hoàn sản phẩm dệt may - da giầy tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên,…
Các diễn giả và đại biểu tham gia ý kiến tại Hội thảo
Hội nghị cũng nghe 15 ý kiến trao đổi về công nghệ, định hướng phát triển, tiềm năng, khả năng ứng dụng, nhu cầu ứng dụng kết quả và các phương thức chuyển giao công nghệ nhằm ứng dụng hiệu quả các kết quả này vào phát triển ngành dệt may ở Hưng Yên.
ThS. Nguyễn Đức Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo ThS. Nguyễn Đức Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đánh giá rất cao chất lượng hội thảo. Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp trao đổi hợp tác về lĩnh vực dệt may, da giày liên quan đến vấn đề kinh tế tuần hoàn, xanh hoá và phát triển bền vững. Đây sẽ là nguồn tài liệu quý giá cả về mặt lý luận và thực tiễn để các nhà quản lý xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Đồng thời, cũng là giải pháp quý giá để các doanh nghiệp dệt may, da giầy áp dụng vào sản xuất giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với bối cảnh thế giới thường xuyên biến động về nguồn cung nguyên vật liệu, nhu cầu của thị trường; và quan trọng nhất đó là nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, giúp sản phẩm dệt may, da giầy trở nên thân thiện hơn; là kiến thức thực tế quý báu để các cơ sở đào tạo ngành dệt may, da giầy ứng dụng làm phong phú kiến thức giảng dạy tại nhà trường trong thời gian tới.
ThS. Nguyễn Đức Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên phát biểu ý kiến tại Hội thảo
ThS. Nguyễn Đức Giang cũng cho thấy thời gian tới Trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, hệ thống các trường đại học, cao đẳng nghề, Hiệp hội doanh nghiệp Hưng Yên và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tăng cường hợp tác, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao cho doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực ngành dệt may.
ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao chất lượng Hội thảo, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết của các diễn giả đã cung cấp thông tin, công nghệ, kinh nghiệm phát triển ngành dệt may cũng như truyền cảm hứng nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào phát triển hiệu quả, bền vững ngành dệt may nói chung và dệt may của Hưng Yên nói riêng. ThS. Trần Tùng Chuẩn cũng đánh giá cao tinh thần trao đổi của các đại biểu, các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong phản ánh thực tiễn và đề xuất được các giải pháp, công nghệ, khả năng phát triển và nhu cầu về chuyển giao, ứng dụng KH&CN lĩnh vực dệt may, nhất là ứng dụng công nghệ số, công nghệ nhân tạo, công nghệ ảo vào phát triển ngành dệt may.
ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu bế mạc Hội thảo
Đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các sở, ban, ngành của tỉnh, các viện, trường, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân nhà khoa học trong nghiên cứu, trao đổi, chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ mới vào phát triển lĩnh ngành dệt may tại Hưng Yên.
Theo đồng chí Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên ThS. Trần Tùng Chuẩn cho biết thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ việc giới thiệu công nghệ, tiếp cận công nghệ mới, hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ mới vào phát triển ngành dệt may Hưng Yên. Những kiến nghị giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh mà các diễn giả, các đại biểu đưa ra sẽ góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực mạnh mẽ, quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và hy vọng trong thời gian tới ngành dệt may - da giầy nâng cao tỷ trọng đóng góp vào tổng lượng GRDP của tỉnh. Bên cạnh đó từng bước xây dựng các vườn ươm công nghệ, tiến tới thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Hưng Yên để phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành dệt may - ngành chủ lực của Hưng Yên.
Vũ Tiến Giáp – Trường Long.