Hội thảo “Tổng kết đánh giá, nghiệm thu mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu thiết bị chuyển mạch tái cấu trúc pin măt trời có xét tới ảnh hưởng của độ che phủ khi vận hành”

Ngày 25/12/2023, tại Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết đánh giá, nghiệm thu mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu thiết bị chuyển mạch tái cấu trúc pin măt trời có xét tới ảnh hưởng của độ che phủ khi vận hành” do Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên chủ trì thực hiện.

  

Các đại biểu tham dự hội nghị

Dự và Chủ trì hội thảo có ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; Ông Nguyễn Xuân Bắc - PGĐ Sở Công Thương; Ông Trương Công Diệm - PGĐ Công ty điện lực Hưng Yên; PGS.TS. Ngô Như Khoa - Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên; PGS.TS. Nguyễn Khắc Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên; đại diện Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên; đại diện các sở, ngành liên quan.

PGS.TS. Vũ Ngọc Kiên - Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo về kết quả thực hiện đề tài

Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS. Vũ Ngọc Kiên - Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo về kết quả thực hiện đề tài cho thấy năng lượng tái tạo đã trở thành một trong những lĩnh vực có chỉ số phát triển cao nhất, nó trở thành nguồn năng lượng sạch, nguồn năng lượng chính để thay thế cho dầu mỏ và than đá. Hiện nay các tấm pin mặt trời đang được sử dụng nhiều với phương thức mắc cố định nối tiếp, song song hoặc hỗn hợp để tạo ra điện áp và dòng điện phù hợp để sử dụng. Tuy nhiên, nếu trong điều kiện ánh sáng không đều, bị che phủ sẽ ảnh hưởng tới công suất của pin.

PGS.TS. Vũ Ngọc Kiên - Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo về kết quả thực hiện đề tài

Nhóm nghiên cứu thực hiện nghiên cứu chế tạo hệ thống pin năng lượng mặt trời tái cấu trúc; Lập trình điều khiển và lập trình IOT cho hệ thống pin năng lượng mặt trời tái cấu trúc; Lắp đặt thử nghiệm, hiệu chỉnh hệ thống pin năng lượng mặt trời tái cấu trúc công suất 17,44KW cung cấp cho Sở KH & CN. Đề tài đã tập trung thiết kế, chế tạo thiết bị chuyển mạch tái cấu trúc pin quang điện có xét tới ảnh hưởng của độ che phủ khi vận hành. Đã chế tạo, lắp đặt, hiệu chỉnh, vận hành hệ thống điều khiển - giám sát pin quang điện có khả năng: Tự động đo các thông số của hệ thống Pin liên tục, suốt ngày đêm. Hệ thống có khả năng lưu trữ các kết quả đo, biện pháp điều khiển chuyển mạch trên trung tâm dữ liệu để tổng hợp, phân tích và cải tiến công nghệ của hệ thống. Hệ thống cho phép lựa chọn chế độ có sử dụng hoặc không sử dụng bộ chuyển mạch - tái cấu trúc các tấm Pin quang điện.  Hệ thống cho phép giám sát qua màn hình HMI, trên máy tính, trên điện thoại kết nối với hệ thống. Hệ thống tự động điều khiển chuyển mạch - tái cấu trúc các tấm Pin quang điện để thu được công suất phù hợp nhất theo điều kiện thực tế từ đó sẽ tối đa hoá được công suất thu được của hệ thống pin quang điện cho phép lựa chọn chế độ lựa chọn sử dụng hoặc không sử dụng bộ chuyển mạch tái cấu trúc; tự động lựa chọn, điều khiển để đạt công suất tối ưu nhất.

PGS.TS. Ngô Như Khoa - Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Khoa học  Trường Đại học kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị

Đơn vị đã tiến hành lắp đặt và thử nghiệm vận hành trực tiếp lại tòa nhà công sở của Sở Khoa học và Công nghệ với 32 tấm pin có công suất 18KWp có khối lượng tương đương 800Kg với diện tích bao phủ xấp xỉ 83m2 bề mặt mái. Việc lắp đặt bố trí dàn đều ra thành 2 bên mái (hướng Đông Bắc và Tây Nam) giúp giảm tải trọng tác động lên mái và giúp quá trình vệ sinh pin về sau có thể trở nên dễ dàng hơn..

   

Các đại biểu thăm quan trực tiếp tại mô hình

Các đại biểu đã thăm quan trực tiếp và tiến hành vận hành chạy cho thấy hệ thống Pin được vận hành tốt, được giám sát bởi máy tính trạm và điện thoại điều khiển tự động.

      

Các đại biểu thăm quan trực tiếp tại mô hình

Qua kết quả thực tiễn tại mô hình và báo cáo tại hội nghị, các đại biểu đều đánh giá: kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng thiết kế hệ thống Pin mặt trời với hệ thống chuyển mạch tái cấu trúc pin mặt trời có xét tới ảnh hưởng của độ che phủ khi vận hành này có kết quả khả quan và có khả năng ứng dụng cao vào thực tiễn. Kết quả của đề tài đã đáp ứng được như cầu về năng lượng vào sử dụng nhằm tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng điện từ than đá,… góp phần vào khắc phục sự biến đổi khí hậu với hệ thống điều khiển dễ vận hành, thuận tiện cho người sử dụng.

ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban chủ nhiệm đề tài, ý kiến của các đại biểu đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ góp phần vào việc ứng dụng nhanh thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống nhằm tận dụng nguồn năng lượng tái tạo vào đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn năng lượng của cơ quan, doanh nghiệp và tiến tới người dân được sử dụng tiến bộ mới góp phần vào sử dụng năng lượng sạch, khắc phục và sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

ThS. Trần Tùng Chuẩn - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến kết luận 

Đồng chí Trần Tùng Chuẩn đề nghị đơn vị tiếp tục tổng hợp, đánh giá hiệu quả kinh tế, hoàn thiện quy trình vận hành và xây dựng kế hoạch áp dụng phù hợp với quy mô, điều kiện thực tế tại các doanh nghiệp lớn, các trang trại và hộ gia đình góp phần tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

Trường Long.

Liên kết