Ngày 23/12/2021 tại Trung tâm Thông tin, Thống kê, Ứng đụng Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình nuôi đông trùng hạ thảo thuộc đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu sản xuất đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Hưng Yên” do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì thực hiện tại Trung tâm Thông tin, Thống kê, Ứng đụng Khoa học và Công nghệ.
Ảnh 1:Đ/c Nguyễn Thái Kiều Ngân – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ; TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật và các đại biểu thăm mô hình.
Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Thái Kiều Ngân – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật.
Đông trùng hạ thảo hiện nay đã được rất nhiều công ty, các tổ chức, cá nhân nuôi và sản xuất nấm này bởi công dụng của loại này như tăng hiệu suất cơ bắp, thể dục; chống lão hóa; chống u tiềm năng; hạn chế và quản lý bệnh tiểu đường loại 2; tốt cho tim mạch và giúp các loại chứng viêm,… ngoài ra cũng không khó nuôi, đầu tư từ đơn giản cũng có thể nuôi đến sử dụng công nghệ cao để nuôi và đương nhiên chất lượng các sản phẩm này là khác nhau. Do đó, cùng sản phẩm đông trùng hạ thảo khi đã được sấy khô bán ra thị trường có loại lên đến 27-35 triệu đồng/kg, nhưng cũng có loại chỉ 2-4 triệu đồng/kg.
Ảnh 2: Các đại biểu thăm quan mô hình
Thực tế trong thời gian qua, đã có rất nhiều công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân bắt tay vào thực hiện việc nhân nuôi đông trùng hạ thảo nhân tạo, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tiêu thụ trong nước. Đã có rất nhiều thành phẩm từ đông trùng hạ thảo nhân tạo được quảng bá rộng rãi trên thị trường Việt Nam hiện nay, với các mức giá khác nhau và chất lượng khác nhau. Chất lượng khác nhau ở đây có thể do ảnh hưởng của nguồn giống (giống Cordyceps militaris được đánh giá nuôi nhân tạo cho hoạt tính cao hơn Cordyceps sinensis), quy trình nhân nuôi cũng ảnh hưởng do các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thành phần môi trường…
Ảnh 3: Các đại biểu thăm quan mô hình
Từ thực tiễn đó, Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu sản xuất đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Hưng Yên” với mục tiêu: Xây dựng và ứng dụng quy trình nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo trong phòng thí nghiệm; Nghiên cứu nâng cao thành phần hoạt chất có dược tính của Đông trùng hạ thảo nuôi cấy được (Hợp chất cordycepin (3-deoxyadenosine); Acid cordycepic; Polysaccharide; Adenosine; Xây dựng và hoàn thiện quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo ứng dụng trên quy mô sản xuất, có thể chuyển giao được cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Ảnh 4: Hội nghị đánh giá kết quả mô hình
Theo ThS. Phạm Duy Trọng – CHủ nhiệm đề tài cho biết đơn vị đã phân lập tuyển chọn được 05 chủng có tiềm năng năng suất và chất lượng sử dụng làm bộ giống gốc đông trùng hạ thảo C. militaris từ 360 mẫu giống nấm từ 11 mẫu hộp sinh khối thu thập được của 11 cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo khác nhau tại khu vực phía Bắc Việt Nam, và 1 mẫu được thu trực tiếp từ nguồn sản phẩm nuôi cấy tại Hàn Quốc.Môi trường thích hợp cho nhân giống cấp 1 là môi trường Hansen ở điều kiện 18oC với thời gian chiếu sáng là 12 giờ sáng/tối. Đã nhân giống cấp 2 bằng môi trường Hansen ở điều kiện lắc 150 vòng/phút trong thời gian 6 ngày bằng bình tam giác 500 ml với 200 ml dịch lắc là thích hợp nhất. Tiến hành nuôi đông trùng hạ thảo ở nhiệt độ 17oC từ khi cấy đến khi mọc quả thể và nuôi quả thể ở nhiệt độ 20oC là phù hợp nhất. Trong các cơ chất nền thì cơ chất có bổ sung đậu tương cho trọng lượng và số lượng quả thể tốt nhất. Phương pháp sấy đông khô cho trọng lượng quả thể lớn nhất, giữ được hình dạng và màu sắc giống quả thể tươi.
Đã xây dựng được quy trình nôi trồng đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Thông tin, Thống kê, Ứng dụng Khoa học & Công nghệ. Quy trình công nghệ đã được áp dụng để nuôi trồng thử nghiệm được 4.984 hộp đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Thông tin, Thống kê, Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Hưng Yên.
Ảnh 5: ThS. Phạm Duy Trọng báo cáo kết quả nghiên cứu
Tại hội nghị các đại biểu đã thăm quan trực tiếp mô hình nuôi cấy, phân lập và sản xuất đông trùng hạ thảo, các đại biểu đều cho rằng sản phẩm cho tỉ lệ thành phẩm cao, màu sắc cây nấm đẹp và cho sinh khối (năng suất) cao. Từ các sản phẩm khô đã và chất lượng sản phẩm đã được phân tích đánh giá cho thấy chất lượng sản phẩm cao hơn hẳn so với đa số sản phẩm đang bán ngoài thị trường.
ảnh 6: Viện Bảo vệ thực vật phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho biết, với kết quả được phân lập tại Hưng Yên cho kết quả tốt hơn cả về tỷ lệ thành phẩm, sinh khối quả thể và chất lượng, mẫu mã so với thực hiện tại Viện và một số địa phương khá. Từ đó chỉ ra được tiềm năng và khả năng phát triển của 05 chủng giống nấp này. Tuy nhiên giai đoạn này mới thực hiện trên giá thể là gạo, thời gian tới sẽ tiến hành thử nghiệm quy trình trên môi trường nhộng tằm để hoàn thiện quy trình khuyến cáo người nuôi áp dụng sản xuất.
ảnh 7: Đ/c Nguyễn Thái Kiều Ngân – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Kiều Ngân – PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ đã đánh giá cao tính chuyên nghiệp, khả năng phối hợp và chuyển giao công nghệ phân lập, nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo tại Hưng Yên, đặc biệt bước đầu đã cho hiệu quả cao trên môi trường giá thể gạo và hoàn thiện được quy trình nhân giống, quy trình sản xuất tại Hưng Yên. Đồng chí cũng yêu cầu đơn vị đánh giá cụ thể hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cũng như định hướng kế hoạch áp dụng kết quả nghiên cứu và sản xuất trong thời gian tới để từng bước nâng cao phong trào nuôi đông trùng hạ thảo tại Hưng Yên. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục cùng Viện Bảo vệt thực vật tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ để tiếp tục nghiên cứu trên môi trường nhộng tằm để hoàn thiện quy trình kỹ thuật áp dụng tại Hưng Yên.
Trường Long