Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn

Ngày 19/10/2023, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành Trung ương; đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, là những cơ sở đào tạo có quy mô lớn các ngành phù hợp, ngành gần với chuyên ngành thiết kế chip bán dẫn; một số lãnh đạo doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thảo luận, trao đổi về thực trạng, định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là dịp để các đại học chia sẻ định hướng, tiềm năng, thế mạnh và những hạn chế, tồn tại trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chip bán dẫn; thể hiện sự quyết tâm hợp tác, tiên phong đi đầu, cùng hành động, chia sẻ nguồn lực để nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, góp phần phát triển ngành công nghiệp đầy tiềm năng của Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch, phục vụ cho máy móc điện tử và chuyển đổi số, xu thế dịch chuyển nguồn cung ứng đang diễn ra trên thế giới và trong khu vực; các tập đoàn công nghệ thế giới tìm đến những địa điểm phù hợp hơn để đặt cơ sở sản xuất, nghiên cứu.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất sang Việt Nam. Đặc biệt, gần đây, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, như: trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới…, đã được mở rộng. Nhưng thực tế việc triển khai đang đứng trước thách thức lớn do sự thiếu hụt số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Nguyên nhân chủ yếu do ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động. Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là ngành có tiềm năng lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ, chất lượng cao. Mặc dù ngành không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới nhưng số sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp; đây chính là điểm nghẽn lớn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm còn rất ít.

Đưa ra định hướng phát triển đào tạo công nghiệp bán dẫn, vi mạch, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, trước tiên phải tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…; có những giải pháp để thu hút sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này; xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực.

Tuy nhiên, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn, vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Điều này rất cần các chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đạo tạo đang chủ trì xây dựng 2 đề án quan trọng. Thứ nhất là Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch. Thứ hai là Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn Intel về phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Hiện nay, Bộ đang xây dựng một kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi mạch, trong đó sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.

Những năm qua, Việt Nam đã có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông, các ngành cung cấp nhân lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0, như AI, Bigdata… Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Theo các chuyên gia, các trường đại học kỹ thuật, công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, vi mạch; nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…; nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch: các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần, bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử… Việc đào tạo có thể bắt đầu từ tuyển mới đào tạo, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn, vi mạch. Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người. Nhu cầu đào tạo trong vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ). Theo dự báo của một số chuyên gia, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới khoảng 20.000 người; 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên.

Nhân dịp này, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã cùng ký kết Biên bản hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Biên bản cũng nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.

P.A.T (Tổng hợp)

Nguồn: https://vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-ky-thuat-va-cong-nghe/hoi-thao-phat-trien-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-nganh-cong-nghiep-chip-ban-dan-7576.html

Liên kết