20/05/2021 | | Khoa học và công nghệ Hưng Yên: Ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế Ngành Khoa học và Công nghệ Hưng Yên sẽ thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo để KHCN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Các đơn vị và cá nhân có thành tích trong hoạt động phát triển tài sản trí tuệ. (Ảnh: Hoàng Hà) Kế thừa và phát huy truyền thống quê hương Hưng Yên văn hiến, cách mạng và anh hùng. Với những thành tựu của hơn 24 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong những thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Khoa học và Công nghệ trong việc tham gia giải quyết những vấn đề của tỉnh như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tăng hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa; xây dựng nông thôn mới… Với tầm nhìn và chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, KHCN&ĐMST sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong hoạt động của mình, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) luôn đổi mới, đồng hành cùng các cấp, các ngành và địa phương để bám sát thực tiễn, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ 2015 đến nay, Sở KH&CN đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành 01 chương trình hành động, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 01 nghị quyết và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 07 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; chú trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong chế biến để tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh. Tham mưu tổ chức triển khai thực hiện 200 đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN; nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao được đưa vào sản xuất, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo lập, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh. Đến nay, đã có 30 sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng 14 mô hình khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ; tham mưu Hội đồng sáng kiến tỉnh công nhận 123 sáng kiến cấp tỉnh. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên thăm các gian hàng các sản phẩm đã được đăng ký sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Hoàng Hà) Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 với chủ trương: Phát triển mạnh mẽ KHCN&ĐMST và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế, lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX đã đề ra định hướng phát triển KHCN&ĐMST trong nhiệm kỳ 2020-2025: Chú trọng đột phá về cơ sở hạ tầng, trọng tâm là giao thông, đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng KH&CN, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, khơi dậy khát vọng và khai thác tiềm năng, tạo động lực mới cho phát triển. Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số đã được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, trong thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ Hưng Yên sẽ tập trung làm tốt các công việc như: Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo để KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KHCN&ĐMST, chủ động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng kế hoạch KH&CN hằng năm với cơ cấu các nhiệm vụ KHCN theo hướng phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; nâng cao năng lực ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến trong nước và thế giới để phát triển sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao của tỉnh. Thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu về KHCN của tỉnh, liên thông với thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động và thị trường vốn; tập trung đầu tư cho hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN, thương mại hóa và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cho các tổ chức, cá nhân. Tăng cường các hoạt động liên kết, nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ và hợp tác giữa nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông trong phát triển nông nghiệp. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư tiềm lực cho các tổ chức KHCN, doanh nghiệp KHCN để hình thành các khu nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân, tập thể trên địa bàn tỉnh xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm có thế mạnh, được chứng nhận OCOPđể nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường... Trần Tùng Chuẩn Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên