Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 (viết tắt là Chương trình OCOP), đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 199 sản phẩm OCOP, trong đó có 157 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Hợp tác xã đầu tư sản xuất và thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú, xã Phú Thịnh (Kim Động)
Nhằm thúc đẩy, khuyến khích các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm... giai đoạn 2018 – 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ máy móc, thiết bị, hạ tầng cho 15 mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP. Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn này đạt hơn 2.753 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp và qua các đề án, dự án do tỉnh triển khai thực hiện trên 26 tỷ đồng; còn lại là kinh phí từ các chủ thể đầu tư mua sắm máy, thiết bị, hạ tầng giao thông, ứng dụng khoa học kỹ thuật, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa.
Chương trình OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về phát triển sản phẩm đặc sản gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP; từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất VietGAP, theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp. Chương trình đã góp phần thúc đẩy hình thành 180 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với Chương trình OCOP, hoạt động có hiệu quả. Chương trình OCOP tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn và thu nhập ổn định hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường, gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế, sản phẩm OCOP chủ yếu là sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao. Quy trình và công nghệ chế biến một số sản phẩm còn đơn giản, chưa bảo đảm đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp…
Để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, ngành liên quan cần nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và cung ứng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh. Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình kỹ thuật và tổ chức tập huấn chuyển giao hướng dẫn các chủ thể, nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn trước hết là công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, nhất là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã nông nghiệp để từng bước tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm... Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu; đồng thời, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm hoàn thiện, phát triển các giải pháp, công nghệ ứng dụng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin điện tử hy.check.net.vn của tỉnh nhằm bảo đảm kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.
Nguồn tin: baohungyen.vn