Khai mạc Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0

Ngày 14/6/2023 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội diễn ra Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023 với chủ đề “thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023

Dự và chủ trì phiên toàn thể Diễn đàn gắn với triển khai nghị quyết số 29-NQ/TW về công nghiệp hóa, hiện đại hóa có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đồng chủ trì có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk,

Diễn đàn hàng năm thu hút được sự quan tâm và tham dự từ hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế, gần 30 báo cáo chính từ các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín cao trở thành một trong những diễn đàn thường niên có quy mô lớn nhất về công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

   

Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao thường niên năm 2023

Tại phiên toàn thể của diễn đàn, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị những cơ chế, chính sách để việc triển khai thực hiện các Nghị quyết nêu trên thực sự có hiệu quả, đi vào cuộc sống, tạo kênh kết nối giữa các cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội với các cơ quan quản lý

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu ý kiến tại Diễn đàn

Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia trong nước và quốc tế trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong phiên toàn thể các đại biểu tập trung vào 4 báo cáo chính gồm dự thảo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

   

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thăm một số gian hàng triển lãm tại Diễn đàn

Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho việc xây dựng những cơ chế, chính sách mới nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết đã cho thấy sự phát triển bền vững đó là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng xác định công nghiệp công nghệ số là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng, trong đó sản xuất thông minh trên nền tảng mạng 5G là cốt lõi của công nghiệp công nghệ số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu ấn nút khai mạc Diễn đàn

Bên cạnh đó, diễn đàn đã tập trung vào các nhóm nội dung lớn như tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; Sự tham gia của quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; Hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối về CNH, HĐH, về chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư như hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù; các chiến lược, chương trình quốc gia, đề án liên quan về CNH, HĐH…; Trao đổi, thảo luận các nội dung trọng tâm nhằm xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường gắn với quá trình CNH, HĐH đất nước.

ThS. Nguyễn Xuân Hải - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên (bên trái) tham dự khai mạc Diễn đàn

Dự phiên Khai mạc diễn đàn, đoàn Hưng Yên do ThS. Nguyễn Xuân Hải – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn với kỳ vọng vào sự hợp tác, đột phá về khoa học và công nghệ, ứng dụng những thành tựu lớn về khoa học và công nghệ của thế giớ và của Việt Nam vào ứng dụng phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Hưng Yên, sớm đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp, tỉnh mạnh trong cả nước.

Bên cạnh đó, Hưng Yên cũng mong muốn được hợp tác để đào tọa nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao; từng bước đầu tư, nâng cấp hạ tầng khoa học, công nghệ, nhất là dớm ứng dụng và đi đầu trong công nghệ số. Từng bước cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các dự án công nghệ cao, thu hút chất xám, ứng dụng các tiện ích thông minh, trí tuệ nhân tạo vào công tác điểu hành, quản lý và phát triển khoa học và công nghệ Hưng Yên trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Diễn đàn

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29, Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị để thực hiện cho được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong đó nhấn mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường; Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Cùng với đó, đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ phải tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, hoàn thành, đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng là 1.729 km, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển hệ thống đường cao tốc đạt mục tiêu 5.000km vào năm 2030. Đẩy nhanh tiến độ một số công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông... Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả từ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chương trình, dự án kết cấu hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để nâng cao tính liên kết và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng đề nghị, sau diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm và hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta.

Xuân Thu – Trường Long.

 

 

Liên kết