'Khoa học công nghệ phải hướng tới giải bài toán lớn của quốc gia'

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khoa học công nghệ phải hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế và giải các bài toán lớn của quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có hai buổi làm việc kéo dài hơn 10 tiếng với Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, cùng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia ngày 22 và 23/4.

Đây là lần đầu Bộ trưởng làm việc với ba đơn vị từ khi thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ mới. Ông nhiều lần lưu ý các đơn vị cần định hình lại tư duy phát triển khoa học công nghệ theo hướng thực tiễn, hiệu quả hơn và gắn với các mục tiêu lớn của đất nước.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với ba đơn vị thuộc Bộ. Ảnh: Giang Huy

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc với ba đơn vị thuộc Bộ ngày 22/4. Ảnh: Giang Huy

Nhận thức đúng về khoa học công nghệ

Theo Bộ trưởng, "nghiên cứu khoa học là lấy bí mật của trời, là hoạt động tìm ra, khám phá, còn phát triển công nghệ mới là không gian sáng tạo của con người". Đây là hai không gian hoàn toàn khác nhau, cần cách tiếp cận với những tố chất con người khác nhau.

Khoa học công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh. Trong bối cảnh đó, công nghệ sẽ trở thành cuộc cạnh tranh chính giữa các quốc gia, đòi hỏi mỗi nước, trong đó có Việt Nam, phải tự cường về công nghệ. "Việt Nam muốn trở thành cường quốc phải gắn chặt với khoa học công nghệ, lấy đây là nền tảng để hiện đại hóa đất nước", Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng lưu ý các đơn vị cần nắm vững những chuyển dịch trong hoạt động phát triển khoa học công nghệ Việt Nam để từ đó biến nhận thức thành hành động cụ thể.

Đầu tiên, khoa học công nghệ phải hướng tới đổi mới sáng tạo. Vì vậy, trong quá trình sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Bộ bảo vệ quan điểm đổi tên thành Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đặt đổi mới sáng tạo ngang với khoa học công nghệ.

Theo ông, đổi mới quan trọng nhất là ứng dụng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những nước đang phát triển như Việt Nam. Việt Nam lấy chuyển đổi số làm môi trường phát triển khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ ngược lại cũng thúc đẩy, coi chuyển đổi số vừa là quan hệ sản xuất, vừa là phương thức sản xuất.

Khoa học công nghệ phải hướng đến kết quả cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng năng suất lao động, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao năng lực quản trị quốc gia... Đây sẽ như một tuyên ngôn của Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Quan trọng hơn, khoa học công nghệ phải giải quyết các bài toán lớn của quốc gia, đó là tăng trưởng với tốc độ hai con số. "Nếu không, Việt Nam sẽ mãi mãi là nước thu nhập trung bình, mãi mãi là nước đang phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khoa học công nghệ phải đi từ thực tiễn

Bộ trưởng cho biết bản chất của làm khoa học là đi tìm bí mật của trời đất. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, Việt Nam cần hướng tới những việc tác động đến cuộc sống, làm cho đất nước phát triển. "Phải đi từ dưới đất lên trời nhiều hơn, lấy thực tiễn làm mảnh đất để phát triển khoa học công nghệ", ông cho hay.

Tư duy nghiên cứu cũng phải thay đổi, từ việc chỉ tạo ra bài báo khoa học, báo cáo học thuật sang tạo ra tác động rõ ràng đến cuộc sống và sự phát triển kinh tế, xã hội. "Nghiên cứu xã hội phải thay đổi nhận thức, nghiên cứu công nghệ phải thay đổi thực tiễn", ông nhấn mạnh.

Bộ sẽ cơ cấu lại chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng bỏ những công trình mang tính hình thức, tập trung vào nhóm nhỏ hơn nhưng mang tính ứng dụng cao. Trong đó, bám vào các công nghệ chiến lược như công nghệ sinh học, công nghệ số.

Một trong những thay đổi về phương pháp quản lý là việc đo lường tác động của công nghệ tới tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia, đời sống người dân, tức đo đầu ra của kết quả nghiên cứu.

Bên cạnh đó, 70-80% ngân sách nhà nước về khoa học công nghệ sẽ hướng đến các doanh nghiệp, thay vì viện, trường. Khoản chi cho doanh nghiệp cơ bản dưới hình thức tài trợ, nhưng nhà nước chi 25%, doanh nghiệp phải chi 75% số tiền còn lại.

Bộ cũng sẽ thay đổi cơ cấu chi cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó 85% dành cho phát triển công nghệ. Chi cho nghiên cứu cơ bản chiếm tỷ lệ 15%, nhưng vẫn tăng về giá trị tuyệt đối.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng lưu ý việc cân bằng giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Theo ông, nghiên cứu khoa học xã hội đóng góp cho sự phát triển của một quốc gia không kém các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nghiên cứu về xã hội cũng là tiền đề tạo ra sự phát triển bền vững.

Ông gợi ý ba bên cân nhắc về tên gọi để thể hiện rõ bản chất và vai trò cốt lõi của đơn vị mình. Theo ông, Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên thực ra là "Vụ nghiên cứu khoa học", Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ bản chất là "Vụ phát triển công nghệ" còn Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia hiểu ngắn gọn là "Quỹ nghiên cứu phát triển".

Người đứng đầu ngành Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc tư duy về tên gọi là cách để các đơn vị hiểu khái niệm gốc, "hồn cốt" của đơn vị.

"Muốn đi xa phải về gần, muốn đổi mới chính ngành mình hãy nắm thật vững, quay về định nghĩa gốc để hiểu điểm xuất phát", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nguồn: https://vnexpress.net/

Liên kết