Ngày 18/5: Sẽ công bố online Sổ tay hướng dẫn thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Sổ tay hướng dẫn Thương mại hóa kết quả nghiên cứu sẽ được công bố online vào 18/5 tới nhằm hướng dẫn các nhà nghiên cứu quá trình thương mại hóa, giải quyết các khó khăn trong thương mại hóa ở Việt Nam.

Thông tin trên được bà Robyn Mudie - Đại sứ Úc tại Việt Nam cho biết tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt vào ngày 13/5. Theo bà Robyn Mudie, Sổ tay là một trong số nhiều kết quả thực tế từ năm 2017 trong Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Úc (Aus4Innovaiton – A4I) đã được hoàn thành và xuất bản bằng hai ngôn ngữ Anh – Việt ở cả định dạng in và trực tuyến.
 

                   

                                                                                    Bìa cuốn Sổ tay Thương mại hóa

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ KH&CN đã và đang triển khai Chương trình Phát triển thị trường KH&CN và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Phát triển thị trường KH&CN có các yếu tố như: bên cung là kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học và bên cầu là nhu cầu đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp. Một phần rất quan trọng là tổ chức trung gian kết nối khu vực cung và cầu.

Gần đây, được sự hỗ trợ của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO), Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cùng với các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ đã xây dựng cuốn Sổ tay về thương mại hóa nhằm đưa kiến thức đến các đối tượng thuộc thị trường KH&CN (bên cung, bên cầu và các chuyên gia) biết cách để chuyển giao công nghệ và đưa các kết quả KH&CN vào ứng dụng cho phát triển kinh tế xã hội.
 

                                                    

                   Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ hi vọng cuốn Sổ tay Thương mại hóa sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá cao kết quả của cuốn Sổ tay và cho biết kết quả của cuốn Sổ tay đã được thử nghiệm ở Đại học Cần Thơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Với thực tiễn như vậy đã kiểm nghiệm được các kiến thức và các nội dung được hướng dẫn trong cuốn Sổ tay. Cuốn sổ này sẽ giúp cho những người làm công tác trong thị trường KH&CN Việt Nam có những kiến thức và kỹ năng thực hiện tốt việc chuyển giao, giúp thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bộ KH&CN đang tích cực xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN trong giai đoạn 10 năm tới. Thứ trưởng cho biết, khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thị trường KH&CN sẽ giúp cho việc phát triển thị trường KH&CN Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Sau khi công bố cuốn Sổ tay, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN sẽ tiếp nhận cuốn sổ đó và tổ chức hội thảo, các buổi làm việc hướng dẫn cho các đối tác trong thị trường KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức trung gian. Qua đó giúp nắm vững quy trình, cách thức hoạt động và cách thức chuyển giao công nghệ. Cùng với sự hướng dẫn, trao đổi và làm tốt, chúng ta sẽ có những kiến thức cho những người tham gia vào thị trường KH&CN.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ KH&CN giao Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cùng với các chuyên gia về SHTT, chuyên gia chuyển giao công nghệ triển khai các khóa tập huấn, hướng dẫn các nội dung của Sổ tay cho các nhà khoa học, cán bộ về chuyển giao công nghệ của các tổ chức trung gian ứng dụng vào trong thực tiễn, giúp thúc đẩy và chuyển giao nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống.

A4I là Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo do chính phủ Australia tài trợ cho Việt Nam với tổng kinh phí 10 triệu đô la Úc, thực hiện trong giai đoạn 4 năm (2018-2022). Chương trình được đồng tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) và Innovaiton Xchange (IXC), Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO) quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện.

Chương trình tập trung vào 4 hợp phần: Xây dựng tầm nhìn chiến lược số (Digital Foresighting); Thương mại hóa kết quả nghiên cứu (SCP); Cơ chế tài trợ cạnh tranh (Competitive Grants); Hỗ trợ chính sách về đổi mới sáng tạo (Innovation Policy).

Được biết, Chính phủ Úc quyết định tăng tài trợ cho giai đoạn 1 của Chương trình (thêm 3,5 triệu đô la Úc, nâng tổng ngân sách lên 13,5 triệu đô la Úc giai đoạn 2017-2022) nhằm hỗ trợ cho 5 sáng kiến mới và chuẩn bị cho Giai đoạn 2 của Chương trình đến năm 2025.

https://www.most.gov.vn/

 

Liên kết