Nghiệm thu 2 đề tài khoa học cấp tỉnh

Nghiệm thu 2 đề tài khoa học cấp tỉnh

* Ngày 15.10, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, phương pháp sơ chế và bảo quản đương quy và ngưu tất tại tỉnh Hưng Yên” do Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện từ tháng 5.2019 – tháng 7.2021.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành thử nghiệm 8 công thức của quy trình kỹ thuật trồng đối với cây đương quy và cây ngưu tất căn cứ theo mật độ trồng, phân bón, biện pháp chăm sóc. Kết quả, đề tài đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng cây đương quy và ngưu tất trên địa bàn tỉnh gồm 9 bước: Chuẩn bị đất; bón lót phân; gieo hạt; làm cỏ, xới xáo; tỉa và trồng dặm; tưới nước và bón thúc phân; phòng trừ sâu bệnh; loại bỏ cây ngồng (đối với đương quy) hoặc cắt bỏ hạt (đối với ngưu tất); thu hoạch củ. Hạt được ngâm ủ trước bằng nước ấm khoảng 40oC 10 – 12 giờ đối với đương quy và 4 – 6 giờ đối với ngưu tất; trồng cây theo hàng với khoảng cách 15x20cm hoặc 20x20cm (đối với đương quy) và 10x20cm hoặc 15x20cm (đối với ngưu tất), sử dụng phân chuồng ủ hoai, phân tổng hợp NPK, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học…

Sau khi thu hoạch, củ đương quy và ngưu tất được làm sạch rồi sơ chế bằng phương pháp phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy ở nhiệt độ dưới 60oC. Củ đương quy và ngưu tất khô được bảo quản trong các túi nhựa PE dán kín có cho thêm một số gói hút ẩm silicagel vào chung và để nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo đảm chất lượng dược liệusau 6 tháng.

Sau khi hoàn thiện quy trình trồng và sơ chế, bảo quản, năm 2020, đề tài đã áp dụng kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thực nghiệm 1 ha đương quy và 1 ha ngưu tất tại xã Tứ Dân (Khoái Châu) và xã Giai Phạm (Yên Mỹ). Kết quả, năm 2021, các diện tích này đã cho thu hoạch với năng suất đương quy đạt 19,28 tấn củ tươi, 3,9 tấn củ khô và ngưu tất đạt 9,86 tấn củ tươi, 2,9 tấn củ khô. Hiệu quả kinh tế mang lại sau khi trừ chi phí, công lao động đạt số tiền lãi 255,6 triệu đồng/ha đối với cây đương quy và trên 82,7 triệu đồng/ha đối với cây ngưu tất…

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận, chia sẻ, đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề tài. Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài đã bỏ phiếu đánh giá đề tài đạt yêu cầu.

 

* Buổi chiều cùng ngày, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu duy trì và phát triển một số giống hoa trà ở Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên (Camellia japoniaca L.)” do Trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh thuộc Viện Nghiên cứu rau quả thực hiện từ tháng 11.2018 đến tháng 5.2021.

Đề tài đã tiến hành thu thập 240 cây hoa trà (tên khoa học là Camellia japoniaca L.) thuộc 12 giống gồm: Trà cung đình, trà bạch (Việt Nam), trà cung đình đỏ, trà thơm, trà phấn bát diện, trà bạch (Trung Quốc), trà thâm hồng bát diện, trà phấn nhật, trà bạch nhị, trà lựu cổ Nam Định, trà lựu cổ Việt Nam, trà thâm đơn. Tất cả các cây hoa trà được trồng trên chậu, mỗi chậu 1 cây. Qua đánh giá đặc điểm hình thái, khả năng sinh trưởng, phát triển, tình hình sâu bệnh hại cho thấy 3 giống hoa trà có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao gồm: Trà cung đình, trà bạch (Việt Nam) và trà thâm hồng bát diện. Đề tài đã xác định được trình tự gen ITS1-5, 8S-ITS2 của 12 mẫu giống hoa trà nghiên cứu với mức tương đồng di truyền đạt 70,01%-93,12%; vùng trình tự bảo thủ ITS1-5, 8S-ITS2 của các mẫu hoa trà sử dụng trong nghiên cứu có sự biến động cao và khác nhau tập trung vào các phần ITS. Từ kết quả đánh giá đa dạng di truyền các giống hoa trà thu thập được của đề tài sẽ làm cơ sở lý thuyết và thực tiễn để tạo giống mới bằng phương pháp lai hữu tính. Đề tài cũng ứng dụng khoa học và công nghệ để nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống, chăm sóc điều khiển nở hoa, sản xuất ứng dụng công nghệ cao đối với giống hoa trà thâm hồng bát diện…

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen hoa trà quý hiếm và tạo cơ sởlai tạo giống mới ưu việt hơn đồng thời mở ra triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến, hiện đại đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài đồng thời đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề tài. Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài đã bỏ phiếu đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc.

Mai Nhung

 

                               

 

Hội nghị hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu duy trì và phát triển một số giống hoa trà Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên (Camellia japoniaca L.)

 

Liên kết