NGHIỆM THU ĐỀ TÀI: “Nghiên cứu tác nhân và đề xuất giải pháp kỹ thuật quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam tại Hưng Yên”

Ngày 22/6/2023 tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên, Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước “Nghiên cứu tác nhân và đề xuất giải pháp kỹ thuật quản lý hiện tượng vàng lá, thối rễ trên cây cam tại Hưng Yên” do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì và thực hiện từ năm 2020-3/2023.

Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài

Dự và chủ trì hội nghị có CN. Nguyễn Thái Kiều Ngân - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch hội đồng tư vấn nghiệm thu kết quả nhiệm vụ; Nguyễn Văn Tráng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; Các ủy viên phản biện: GS.TS Phạm Văn Lầm - Hội Côn trùng học Việt Nam, Phản biện 1; TS. Nguyễn Đức Huy - Trưởng bộ môn bệnh cây- Khoa Nông học, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam và đầy đủ các ủy viên Hội đồng. Dự hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo Viện Bảo vệ thực vật; đại diện các sở ngành trong tỉnh; phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, phòng Kinh tế - Hạ tầng, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ và Văn Giang và đại diện các hộ tham gia mô hình.

 

TS. Nguyễn Thị Thủy- Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả thực hiện đề tài

 Báo cáo tại Hội nghị nghiệm thu, TS. Nguyễn Thị Thủy- Chủ nhiệm nhiệm vụ và nhóm nghiên cứu cho biết đã tập trung thực hiện các nội dung nghiên cứu từ năm 2020 - 2022với các nội dung tập trung vào điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất và hiện trạng hiện tượng vàng lá thối rễ cam tại Hưng Yên về các biện pháp canh tác (bón phân, chăm sóc, phun thuốc các yếu tố ảnh hưởng...) thấy rằng bệnh vàng lá trên cam thường tồn tại ở 2 loại triệu chứng: (1)Trên lá, biểu hiện phiến lá vàng, gân trắng vàng đục, cây nặng rụng lá, bộ rễ bị thối chủ yếu là các rễ tơ (lông hút); (2) Cây biểu hiện buồn rủ, lá xanh đổi màu, phiến lá co lại nhưng vẫn còn xanh, cây nặng có thể rụng lá ngay có thể vàng dần, gân lá không vàng. Bộ rễ thối và mục hết cả rễ tơ và rễ lớn hơn.

Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài

Nhóm nghiên cứu cũng xác định được 8 loài tuyến trùng gây hại cây cam tại Hưng Yên, loài Tylenchulus semipenetrans  là loài gây hại chủ yếu với tần suất xuất hiện từ trên 95 % đến 100 % mẫu đất. Có 10 loài nấm xuất hiện gây hại, trong đó loài nấm Fusarium solani có mức độ phổ biến cao nhất tới 95,9% đến 100%, sau đó là nấm Phytophthora với tỷ lệ trên 30% số mẫu. Có 1 loài rệp sáp giả tạo măng sông ở rễ là Planococcus lilacinus, loài rệp sáp này có mức độ phổ biến chỉ gần 3 % và thường ở vườn cam từ 4-5 tuổi và chân đất bí kém thoát nước. Hiện tượng vàng lá thối rễ cây cam tại Hưng Yên là một loại bệnh phức hợp bao gồm tuyến trùng (chủ yếu là T. semipenetrans), nấm (chủ yếu là F. solani) cùng với chân đất và phương thức canh tác của người dân.Tỷ lệ cây bị vàng lá thối rễ tương đối cao, hiện tượng này thể hiện rõ nhất vào cuối năm thời kỳ trước và sau thu hoạch với tỷ lệ từ 46,13 % năm 2020 đến 40% năm 2021 và 45,13 % năm 2022. Mật độ tuyến trùng trong đất hầu hết cao vào các tháng mưa nhiều từ tháng 5 đến cuối tháng 7 và đầu tháng 8, khi lượng mưa quá nhiều mật độ giảm. Mật độ tuyến trùng trong rễ thường cao vào những tháng mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 sang năm.  Yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến mật độ tuyến trùng hại cam là phân hữu cơ. Vườn cam bón nhiều phân hữu cơ mật độ tuyến trùng trung bình trong 5g rễ chỉ là 1058, con, thấp hơn nhiều so với bón ít phân hữu cơ là 2146 con, trong 100g đất ở vườn bón nhiều phân hữu cơ mật độ tuyến trùng trung bình là 279,07 con và vườn bón ít phân hữu cơ là 395,58 con.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu sử dụng các nhóm thuốc sinh học như Microtech, SH-lifu sau 60 ngày xử lí cho hiệu phòng trừ nấm Fusarium từ 52,5 % đến 65,5 %. Các thuốc hóa học như Ridomil 68WG 0,2%, Aliette 80WP 0,2%, đều có hiệu lực phòng trừ nấm Fusarium caođạt từ 75,89 – 88,23 % sau 60 ngày xử lí, Eddy 72 WP và  Sprayphos 620 SL cũng cho hiệu lực trên 70 %. Các thuốc sinh học như SH-lifu và Phyto-M cho hiệu lực phòng trừ tuyến trùng trong đất đạt 60,49% đến 67,94 % sau 30 ngày xử lí. Các thuốc hoá học Tervigo 020 SC, Velum prime 400 có hiệu lực phòng trừ tuyến trùng đạt 75,61% đến 79,94 % sau 14 ngày xử lí. Khi kết hợp xử lý thuốc Tervigo 020 SC với 1-2 lần tưới phân bón hữu cơ Organic phoenic đã làm tăng hiệu lực đối với tuyến trùng tới 85 % sau 30 ngày, bên cạnh đó có tác dụng kích thích cây ra rễ và phát triển tốt hơn.Khi phối trộn thuốc nấm chứa hoạt chất Diatrimefon với Actara 25WG, Bitadin WP và Movento 150OD cho hiệu lực phòng trừ loài rệp sáp giả P. lilacinus từ đến 82,69% đến 100 %.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được quy trình quản lý tổng hợp hiện tượng vàng lá thối rễ cây cam.

Lãnh đạo Viện Bảo vệ thực vật phát biểu ý kiến

Đề tài đã áp dụng quy trình xây dựng mô hìnhquản lý tổng hợp hiện tượng vàng lá thối rễ cây cam tại huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên trên vườn cam vinh với diện tích 01 ha trong 2 năm 2021 và 2022. Kết quả trong mô hình cây phát triển tốt. Tỷ lệ cây vàng lá thối rễ ở kỳ điều tra tháng 10 năm 2021 trong mô hình là 13,47% và 24,06% ở vườn đối chứng. Đến tháng 3 năm 2023, sau một thời gian dài áp dụng tổng hợp các biện pháp, cây cam phục hồi tương đối tốt, tỷ lệ cây cam vàng lá thối rễ trong mô hình chỉ là 9,24%, trong khi đó vườn đối chứng là 47,76%, nhiều vườn còn chặt bỏ. Các chỉ tiêu về chất lượng như đường kính quả, khối lượng quả và độ Brix trong mô hình cao hơn ngoài mô hình.Năng suất cam trong mô hình là 39.174 kg/ha cao hơn nhiều so với ngoài mô hình là 32.556 kg/ha năm 2021 và năm 2022 tương ứng là 37.763 kg và 29.542 kg. Với giá bán trung bình là 25 ngàn/kg và 38 ngàn/kg, lãi trong mô hình sau khi trừ chi phí còn là 797.994.695 đồng/ha cao hơn ngoài mô hình là 663.041,823 đồng/ha, tăng hiệu quả kinh tế so với ngoài mô hình là 20,35% năm 2021 và năm 2022 tương ứng là 1.199.702,06 ngàn/ha và 925.427 ngàn/ha và 29,64% (mặc dù đầu tư nhiều hơn về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật so với ngoài mô hình).

Ngoài ra đã tiến hành nhân rộng kết quả đề tài cụ thể là trồng thử 70 cây cam (gồm 50 cây cam vinh+ 20 cây cam canh) được ghép trên gốc cam lười, cây đã bước sang năm thứ 3. Hiện cây phát triển tốt, bộ lá xanh đẹp với chiều cao cây trung bình là 1,85 m, đường kính tán trung bình là 1,74 m.

   

Thành viên Hội đồng và đại biểu ý kiến đánh giá kết quả đề tài

Hội nghị đã nghe các thành viên Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu và các đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu ý kiến cho rằng đây là một trong những kết quả đáng ghi nhận của nhóm nghiên cứu vì thực hiện điều tra, đánh giá, phân tích và đối tượng chủ yếu là tuyến trùng (đối tượng gây hại trực tiếp vào rễ cây) không như các đối tượng sâu bệnh hại khác.

   

Thành viên Hội đồng và đại biểu ý kiến đánh giá kết quả đề tài

Việc xác định được 8 nhóm tuyên trùng chính gây hại vàng lá, thối rễ trên cam và đã tiến hành nghiên cứu ứng dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào phòng trừ tuyến trùng gây hại, đảm bảo an toàn môi trường, an toàn cho cây trồng. Đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật và áp dụng xây dựng mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật vào điều trị phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam với quy mô 01 ha (năm 2021 – 2022) tại huyện Phù Cừ.

   

Thành viên Hội đồng và đại biểu ý kiến đánh giá kết quả đề tài

Kết quả trong mô hình cây phát triển tốt, Tỷ lệ cây vàng lá thối rễ ở kỳ điều tra tháng 10 năm 2021 trong mô hình là 13,47% và 24,06% ở vườn đối chứng.

   

Thành viên Hội đồng và đại biểu ý kiến đánh giá kết quả đề tài

Ngoài ra tiếp tục mở rộng kết quả đề tài sang trồng thử 70 cây cam (gồm 50 cây cam vinh+ 20 cây cam canh) được ghép trên gốc cam lười, cây đã bước sang năm thứ 3 cho hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch hội đồng phát biểu ý kiến

Phát biểu kết luận, CN. Nguyễn Thái Kiều Ngân - Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài trong việc phản biện nội dung, phương pháp cũng như kết quả thực hiện của đề tài khoa học cấp tỉnh. Đồng chí Ngân đánh giá cao tinh thần nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Ban chủ nhiệm, Viện Bảo vệ thực vâth đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh và hợp đồng giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Viện Bảo vẹ thực vật.

Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch hội đồng phát biểu kết luận hội nghị nghiệm thu

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị Ban chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng kết, đánh giá chi tiết hiệu quả của ứng dụng mô hình vào hoàn thiện quy trình kỹ thuật; dự thảo hoàn chỉnh kế hoạch áp dụng kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ trên cam nói riêng và sản xuất cam an toàn, bền vững tại tỉnh Hưng Yên nói chungtrong thời gian tới.

Kết quả đánh giá nghiệm thu với 100%thành viên có mặt đánh giá Đạt.

  Nhiệm vụ xếp loại Đạt./.

 

Giang Đức Quỳnh - Trường Long.

 

Liên kết