Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị đánh giá, tổng kết Chương trình “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, mã số KX.01/16-20. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Tây Nguyên và Thái Nguyên.
Chương trình được xây dựng nhằm các mục tiêu: Cung cấp luận cứ khoa học về những vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Đề xuất chính sách và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định và thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Đây là Chương trình tích hợp 4 trụ cột nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn về kinh tế, xã hội, văn hóa và con người.
Toàn cảnh Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, qua 5 năm thực hiện, 52 đề tài của Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về các sản phẩm ứng dụng, phục vụ việc xây dựng và hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như các công bố trong nước và quốc tế, góp phần đào tạo hàng trăm nghiên cứu sinh, học viên cao học theo các hướng nghiên cứu, đồng thời giúp nâng cao năng lực nghiên cứu cho hàng nghìn cán bộ nghiên cứu trên cả nước.
Trong số này có 40% đề tài có kết quả đóng góp trực tiếp, cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, 80% đề tài có kết quả gồm các kiến nghị, giải pháp, mô hình và sản phẩm khoa học góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đổi mới, và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách ở Bộ, ngành, địa phương. 90% số đề tài có kết quả cung cấp những luận giải cho việc nâng cao nhận thức lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển khoa học xã hội và nhân văn. Gần 400 bài báo trong nước và quốc tế từ kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, 161 bài tham gia hội thảo khoa học quốc gia, 26 bài tham gia hội thảo khoa học quốc tế. Gần 100 hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành. 100% đề tài đảm bảo chỉ tiêu đào tạo sau đại học, tham gia đào thạc sỹ và tiến sỹ. Trong đó, đã tham gia đào tạo 100 tiến sỹ và 153 thạc sỹ.
GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ nhiệm Chương trình báo cáo tại Hội nghị
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Chương trình KX.01/16-20 đã bám sát 4 nội dung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học về vấn đề trọng yếu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, đề xuất chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác hoạch định, thực thi chính sách vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.
100% đề tài thuộc chương trình tạo ra các sản phẩm khoa học đặc thù, trong đó có bản đồ, các mô hình chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, làm tài liệu cho các cơ quan quản lý du lịch trên địa bàn.
Viện Đổi mới sáng tạo được hình thành từ đề tài KX.01.17, đặt tại Trường Đại học Kinh tế TP HCM đã triển khai các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giới trẻ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, IoT, thương mại điện tử, giáo dục STEM, sản xuất thương mại, Fintech, quảng cáo trực tuyến, du lịch...
Toàn bộ kết quả nghiên cứu trong Chương trình được chuyển giao cho các ban, bộ, ngành Trung ương phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách. Một số kết quả được chuyển giao cho doanh nghiệp và địa phương ứng dụng vào thực tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Giai đoạn 2016 – 2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt triển khai 07 chương trình KH&CN trọng điểm do Bộ trực tiếp quản lý, trong đó Chương trình KX.01/16-20 là chương trình khoa học xã hội nhân văn duy nhất. Sau 5 năm thực hiện, Chương trình đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nhiều đề tài có kết quả nghiên cứu mới, một số đề tài đã kịp thời cung cấp kết quả nghiên cứu cho việc phục vụ cho công tác soạn thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như xây dựng và hoàn thành các chính sách, pháp luật, chiến lược phát triển của Bộ, ngành và địa phương.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá cao Chương trình KX.01/16-20 đã thực hiện tốt công tác truyền thông về Chương trình trong thời gian qua với tinh thần lan tỏa kết quả nghiên cứu tới các tổ chức, địa phương cũng như tới tất cả các nhà khoa học ở mọi miền đất nước. Công tác truyền thông về các kết quả nghiên cứu của Chương trình để thúc đẩy ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn xây dựng và hoàn thiện chính sách từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục được phát huy.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, Bộ KH&CN rất chú trọng đến xây dựng và triển khai các chương trình khoa học xã hội và nhân văn phục vụ công tác hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước. Thứ trưởng đề nghị cần có các tiêu chí đánh giá tác động kinh tế - xã hội cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội mà Chương trình mang lại, có phương pháp, có bộ tiêu chí đánh giá dựa trên cơ sở khoa học và phải lượng hóa được hiệu quả kinh tế - xã hội của Chương trình. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình phải chú ý đến tính tích hợp, liên ngành giữa các vấn đề nghiên cứu cũng như tính kế thừa kết quả nghiên cứu của các đề tài để tăng tính hiệu quả của Chương trình.
Trong giai đoạn tới, các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia cần được tiếp tục thực hiện và tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm trong lĩnh vực KHXH&NV nhằm đề xuất, kiến nghị các chính sách, giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, đồng thời, các nghiên cứu cần hướng đến các vấn đề mang tính dài hạn, xuyên suốt nhằm phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững gắn với khai thác và phát triển các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.