Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức mạnh c

Trong giai đoạn tới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đó là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong bài tham luận của đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, tại phiên thảo luận của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng ngày 28/01/2021.  

Nhiều thành tựu ấn tượng

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị cũng như của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện. Trong thành tựu chung này có sự đóng góp quan trọng của KHCN&ĐMST ở tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong cả nước.

Bộ trưởng cho biết, KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp - TFP giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 45,2% so với mức 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015 là 33,6%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 5,8%/năm so với giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm; Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020.

Những đóng góp về KH,CN&ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đầu trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng GII năm 2020; trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3, sau Singapore và Malaysia.

Trong các kết quả nổi bật của các ngành, lĩnh vực, có thể thấy có sự đóng góp của ngành KH,CN&ĐMST, Bộ trưởng khẳng định.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2020.

Theo đó, khoa học chính trị và kinh tế đã và đang cung cấp các luận cứ sâu sắc và kịp thời trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, khẳng định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của đất nước; đổi mới đồng bộ thể chế kinh tế, chính trị và xã hội; có nhiều đóng góp thiết thực trong việc bảo đảm sự ổn định chính trị của đất nước trong điều kiện mới và đề xuất các chủ trương, chính sách lớn về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Khoa học xã hội và nhân văn đã phát triển hệ thống lý luận mới về vai trò của văn hóa, lịch sử, con người và các nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững, tác động vào quá trình thay đổi nhận thức và hành vi, bồi đắp trí tuệ của con người Việt Nam trong xã hội hiện đại, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của dân tộc, góp phần xây dựng các nền tảng của một xã hội văn minh và hội nhập với thế giới.

Khoa học tự nhiên đã có tiến bộ vượt bậc về lượng và chất trong những năm gần đây. Số lượng bài báo công bố quốc tế ISI của Việt Nam tăng gần gấp ba lần so với đầu nhiệm kỳ, bình quân hằng năm tăng trên 20%. Các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng đã tạo ra nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực hóa học, cơ học, khoa học thông tin và máy tính, sinh học nông nghiệp, y sinh dược học; nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được các giải thưởng khoa học danh giá trong nước và quốc tế. Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học trái đất và môi trường đã góp phần nâng cao năng lực dự báo, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên có đóng góp rất quan trọng trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là bậc sau đại học; gia cố nền tảng, năng lực nghiên cứu và đội ngũ cán bộ khoa học tài năng trong các trường đại học, viện nghiên cứu. Một số trường đại học của Việt Nam đã đứng trong tốp 1.000 trường đại học xếp hạng cao trên thế giới. Với sự đầu tư đúng hướng của Nhà nước, chúng ta đã dần tạo lập được môi trường học thuật tiên tiến và lành mạnh trong nước, thu hút nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo ở nước ngoài về nước tiếp tục phát triển các trường phái nghiên cứu tiên phong, hình thành được một số tập thể khoa học mạnh có trình độ quốc tế. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như: Toán học, Vật lý, Hóa học tiếp tục giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN.

Khoa học kỹ thuật và công nghệ đã phát triển lên một tầm cao mới về năng lực và trình độ nghiên cứu, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0 được nhanh chóng tiếp thu, thúc đẩy ứng dụng trong các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trình độ công nghệ của nền sản xuất được cải thiện và nâng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hoá phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Cũng theo Bộ trưởng, trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được các giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng vượt trội so với khu vực và thế giới. Nhiều tiến bộ kỹ thuật và quy trình công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản sau thu hoạch và chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều nhân.

Cùng với đó, trong công nghiệp và dịch vụ, các chuyên gia công nghệ trong nước đã đủ năng lực thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí chính xác, siêu trường, siêu trọng, giàn khoan dầu khí tự nâng ở vùng nước sâu; thiết kế, thi công các loại cầu vượt sông khẩu độ lớn, hầm đường bộ, nhà cao tầng, nhà máy nhiệt điện, thủy điện quy mô lớn. Công nghệ thông tin và truyền thông thế hệ mới, công nghệ số được ứng dụng rộng trong các ngành dịch vụ ngân hàng, hàng không, bưu chính viễn thông. Nhiều công nghệ cao như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, mạng di động 5G đã và đang được phát triển. Hệ tri thức Việt số hóa - hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam, sẽ được đưa vào sử dụng, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị, giúp nâng cao rõ rệt chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm chi phí cho người dân và xã hội. Việt Nam nằm trong tốp 3 nước ASEAN và 43 nước trên thế giới tự sản xuất được vắc xin, rất thành công trong công tác phòng ngừa và thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; làm chủ được các kỹ thuật và công nghệ y học hiện đại ở trình độ cao như ghép tạng và đa tạng, thụ tinh nhân tạo, ứng dụng tế bào gốc và kỹ thuật sinh học phân tử,... Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã kịp thời đặt hàng nghiên cứu, phát triển kit xét nghiệm nhanh, hỗ trợ truy vết người tiếp xúc, thiết kế, sản xuất robot, máy thở, phác đồ điều trị và kháng thể đơn dòng để sản xuất thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp Việt Nam kiểm soát và khống chế dịch bệnh, là minh chứng rõ nhất cho hiệu quả của sự đầu tư kiên trì và chiến lược cho tiềm lực KH&CN nước nhà trong nhiều năm qua.

Trong quốc phòng và an ninh quốc gia, đã thiết kế, chế tạo mới và cải tiến được nhiều loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao; xây dựng được các hệ thống giám sát và kiểm soát an toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng. 85% vũ khí trang bị kỹ thuật của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là kết quả nghiên cứu trong nước, đáp ứng các yêu cầu tác chiến.

Tạo bứt phá về năng suất, chất lượng từ KHCN và đổi mới sáng tạo
 

Việt Nam đã thử nghiệm vắc xin Nano Covax phòng Covid-19 "made in Việt Nam”.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thành tựu về KH,CN&ĐMST trong năm năm qua đã khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển KH,CN&ĐMST và là kết quả của sự nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị với sự tham gia và phối hợp tích cực, chủ động của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Vai trò, sứ mệnh của KH,CN&ĐMST đã được khẳng định là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều văn kiện quan trọng như Cương lĩnh phát triển đất nước, các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các đạo luật.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Với mục tiêu này thì việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào vốn và lao động như trước đây sẽ không còn phù hợp bởi mô hình này còn rất ít dư địa, có xu hướng chững lại và có nguy cơ đưa nước ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các quốc gia trên thế giới.

“Bởi vậy, trong giai đoạn tới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã trở thành một trong những xu hướng phát triển của thời đại, Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang mô hình dựa trên KH,CN&ĐMST, qua đó mới có thể nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển đất nước nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, sớm đạt ngang tầm với các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới”, đồng chí Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
 

Đầu tư cho KH&CN những năm qua đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp KH&CN.

Trong dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các nội dung KH,CN&ĐMST được thể hiện đậm nét, đồng bộ, hệ thống, xuyên suốt từ chủ đề của Chiến lược, đến quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển, đột phá chiến lược và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, đảm bảo được tính kế thừa, phát triển từ các thành công và cả từ các hạn chế trong giai đoạn trước đây và có tính đến các bối cảnh mới ở trong nước và quốc tế. Theo Bộ trưởng, quán triệt các nội dung KH,CN&ĐMST đã được nêu trong dự thảo Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030, trong thời gian tới, ngành KH&CN sẽ tập trung làm tốt các công việc sau:

Thứ nhất, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ĐMST như là cầu nối để KH&CN phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, qua đó tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh;

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KH,CN&ĐMST, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH,CN&ĐMST; cần có nỗ lực toàn diện và đồng bộ để tháo gỡ các rào cản trong hệ thống luật pháp và chính sách để KH,CN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các rào cản, vướng mắc từ các cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại; Tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KH,CN&ĐMST nhất là từ doanh nghiệp;

Thứ ba, đặc biệt chú trọng phát triển khoa học xã hội và nhân văn; gắn kết chặt chẽ, đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước; Tiếp tục đầu tư để phát triển, hiện đại hoá hạ tầng và tiềm lực KH,CN&ĐMST;

Thứ tư, thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng lần thứ tư có khả năng ứng dụng cao;

Thứ năm, thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về KH,CN&ĐMST nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam và huy động tối đa nguồn lực quốc tế;

Thứ sáu, chủ động, tích cực phối hợp để phát huy vai trò quan trọng của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển KH,CN&ĐMST đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội ở các ngành các cấp, các địa phương.

“Để KH,CN&ĐMST thật sự là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nâng cao năng suất lao động chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển KT-XH thì không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của ngành KH,CN&ĐMST mà còn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự chung tay, góp sức của tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội trong ứng dụng và phát triển KH,CN&ĐMST”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu.

Bộ trưởng gửi lời cảm ơn và kính mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự hỗ trợ, hợp tác của các bộ, ngành, các địa phương, các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, các doanh nghiệp và của toàn xã hội để giúp cho ngành hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.  

“Với những thành tựu đạt được của đất nước trong những năm qua, với thế và lực cũng như vị thế mới của Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và bản lĩnh của Đảng ta, chúng ta hoàn toàn tin tưởng đất nước chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh", Bộ trưởng khẳng định.

https://www.most.gov.vn/

Liên kết