Ngày 9/11/2023, tại Đại học Huế (TP. Huế), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức "Hội thảo khoa học Phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW và định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới".
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về "Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới" trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Nghị quyết 36-NQ/TW xác định mục tiêu tập trung phát triển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Đồng thời, xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Khoa học và Công nghệ đã dự thảo và trình Chính phủ Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW, dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các nghị quyết của Tỉnh ủy tổ chức triển khai với nhiều mục tiêu rất cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Quang cảnh Hội thảo
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030 có nội dung liên quan đến công nghệ sinh học, trong đó, trọng tâm là 3 chương trình quốc gia: "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe; Mã số: KC.10/2021-2030"; "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hoá dược và dược phẩm; Mã số: KC.11/2021-2030" và "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học; Mã số: KC.12/2021-2030".
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai hiệu quả 3 chương trình KH&CN cấp quốc gia trong giai đoạn tới, trong đó lưu ý việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều phối các nhiệm vụ KH&CN trong từng chương trình nhằm bảo đảm không trùng lặp về nội dung nghiên cứu, đồng thời tạo cơ chế để các chương trình có thể thường xuyên trao đổi các kết quả nghiên cứu.
Các ban Chủ nhiệm chương trình không chỉ tổ chức triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, mà cần chủ động phát hiện các tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai quy định về quản lý các nhiệm vụ KH&CN (trực tiếp là các thông tư quản lý nhiệm vụ, quản lý tài chính) và tổng hợp, gửi các đơn vị chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ. Qua đó, giúp Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện pháp luật về KH&CN, tạo hành lang pháp lý ngày càng thuận lợi hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng chia sẻ về định hướng nghiên cứu, ứng dụng và phát triển ngành công nghệ tiên tiến trong y tế và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, trong phục vụ công nghiệp hoá dược và dược phẩm, trong công nghệ sinh học; giới thiệu các văn bản pháp lý, chính sách điều hành, quản lý đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và giới thiệu 3 khung chương trình: KC.12/21-30, KC.10/21-30, KC.11/21-30.
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã làm chủ một số công nghệ tiên tiến, phát triển và ứng dụng trong phát hiện, giảm thiểu các nguy cơ phát sinh bệnh mới nổi, tái nổi và chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh mạn tính không lây. Ở mảng dược phẩm, phát triển được nhiều sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu và bài thuốc Việt Nam thành thành phẩm ra thị trường; ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán sớm và điều trị chính xác; đã nghiên cứu công nghệ tế bào (Cellomics...); công nghệ Omic; công nghệ Bioinformatic Y học tái tạo và kỹ thuật tạo mô; Công nghệ giải mã gen...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nhờ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học, đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi có tính trạng tốt, năng suất cao được lai tạo thành công. Các chế phẩm sinh học phát triển phục vụ trong chăn nuôi và trồng trọt mang lại hiệu quả năng suất cao.
Đánh giá về phát triển công nghệ sinh học của Việt Nam, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Chủ nhiệm Chương trình KC.12/2021-2030 cho rằng, thời gian qua, với khoản đầu tư không nhiều Việt Nam đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong những lĩnh vực quan trọng của đất nước như: Nông, lâm, ngư nghiệp, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường... Chúng ta đã đặt được nền móng cho công nghiệp sinh học toàn quốc, gồm nhân giống, chọn tạo giống, công nghệ tế bào, sinh học phân tử, sản xuất vaccine thú y, sản xuất các chế phẩm sinh học cho chăm sóc và bảo vệ cây trồng và vật nuôi. Nhiều sản phẩm công nghệ sinh học đã và đang đóng góp cho sản xuất trên đồng ruộng, trang trại của nông dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, nền công nghệ sinh học nước nhà vẫn chưa tạo ra các thành công từ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ cao. Chỉ các công nghệ tầm phổ thông như cấy mô, chế phẩm vi sinh, chỉ thị phân tử.... được ứng dụng thành công. Hơn nữa, việc hợp tác liên kết còn yếu, nhất là hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực, giữa viện-trường-doanh nghiệp, thiếu vắng đầu tư của doanh nghiệp, thiếu cán bộ đầu ngành. Sự tham gia của doanh nghiệp vẫn chủ yếu nhắm tới tận dụng vốn của các chương trình KHCN, yếu tố công nghệ chưa được coi trọng. Cơ chế, nhân lực, nguồn kinh phí vẫn luôn là vấn đề lớn của KHCN nói chung và công nghệ sinh học nói riêng...
Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW, cần xác định rõ định hướng, đó là phát triển công nghệ sinh học bám sát thực tiễn, bám sát nhu cầu của sản xuất: nghiên cứu thứ gì mà thực tiễn cần và chúng ta có khả năng làm được. Tiếp cận nhu cầu của sản xuất và tiềm năng đóng góp cho sản xuất sẽ là tiêu chí đánh giá các nhiệm vụ của chương trình KHCN. Đồng thời đẩy mạnh liên kết để tăng cường sức mạnh của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, gồm: Liên kết phòng thí nghiệm với thực tiễn; liên kết nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai; liên kết nghiên cứu triển khai và doanh nghiệp; liên kết viện - trường – doanh nghiệp. Vì vậy, GS.TS. Lê Huy Hàm cho rằng, cần phát triển mạnh mẽ công nghiệp sinh học dựa trên các công nghệ đã được làm chủ từ giai đoạn trước. Ứng dụng các công nghệ mới về quang điện tử, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin... nâng cao hiệu quả, giảm giá thành nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm công nghệ sinh học. Tiếp cận và làm chủ các công nghệ mới, hiện đại vào ứng dụng để nâng cao hiệu quả của công nghệ sinh học; hỗ trợ đào tạo cán bộ thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN...
P.A.T (Tổng hợp)
Nguồn: https://vista.gov.vn/vi/news/khoa-hoc-ky-thuat-va-cong-nghe/phat-trien-va-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-phuc-vu-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc-trong-tinh-hinh-moi-7720.html