Chuyển 2 nhóm tài liệu sang hậu kiểm; điều chỉnh thời hạn nộp hồ sơ từ 60 ngày xuống còn 30 ngày để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung xét duyệt; bỏ quy định phạt 2 năm không được tham gia tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó nghiệm thu “không đạt”... Đó là một số nội dung chính được điều chỉnh/thay thế trong Thông tư số 20/2023/TT-BKHCN ngày 12/10/2023 Quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (Thông tư 20).
Thông tư 20 có hiệu lực từ ngày 27/11/2023 và thay thế Thông tư 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ KH&CN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN).
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Nhiều quy định trong Thông tư 20 đã giúp đơn giản hóa về thủ tục hành chính. Cụ thể, có 2 nhóm tài liệu được chuyển sang hậu kiểm, chỉ bổ sung, hoàn thiện sau khi Hội đồng tư vấn tuyển chọn kiến nghị trúng tuyển để phục vụ cho Tổ thẩm định họp thẩm định kinh phí nhiệm vụ là: Lý lịch khoa học của thành viên chính và thư ký khoa học; Báo giá thiết bị máy móc, vật tư nguyên vật liệu. Đồng thời, bỏ quy định có Báo cáo tài chính đối với loại hình nhiệm vụ là đề tài, đề án được tài trợ 100% từ NSNN.
Tháng 02/2023, Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo “Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia” tại Hà Nội.
Cùng với đó, Thông tư 20 điều chỉnh thời hạn nộp hồ sơ từ 60 ngày xuống còn 30 ngày để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung xét duyệt. Điều này cũng tương thích với quy định tại Điều 12 Luật Đấu thầu, thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 20 ngày đối với đấu thầu trong nước và 40 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên hồ sơ mời thầu được phát hành đến ngày có thời điểm đóng thầu. Nhà thầu phải nộp hồ sơ dự thầu trước thời điểm đóng thầu. Đồng thời, không phân kỳ dự toán kinh phí nhiệm vụ trong quá trình xét duyệt.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, việc quản lý chương trình, nhiệm vụ KH&CN được thực hiện trên Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN quốc gia. Đây là Hệ thống thông tin do Bộ KH&CN xây dựng, quản lý và vận hành để quản lý việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN. Văn bản, hồ sơ và tài liệu được trao đổi bằng phương thức trực tuyến thông qua Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN quốc gia. Trong trường hợp Hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN quốc gia chưa sẵn sàng hoặc gặp sự cố chưa được khắc phục kịp thời thì văn bản, hồ sơ và tài liệu được trao đổi trực tiếp. Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn trực tuyến.
Về phương thức họp hội đồng tư vấn tuyển chọn, nhằm minh bạch, giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức cá nhân khi triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, Thông tư 20 đã bổ sung quy định các phương thức họp hội đồng trực tuyến; phương thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để đảm bảo tính linh hoạt cho hoạt động xét duyệt các nhiệm vụ KH&CN.
Công khai, minh bạch, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu
Các nội dung sửa đổi cũng hướng đến việc bảo đảm tính công khai, minh bạch. Theo đó, Thông tư 20 bổ sung yêu cầu “Báo cáo ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia khác” (Điều 4); bổ sung quy định không cho phép thành viên của đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng tư vấn (Điều 8); bắt buộc kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, kỹ thuật của tổ chức chủ trì và đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm. Bổ sung yêu cầu hồ sơ năng lực của đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm; bỏ quy định đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ tham gia phiên họp Hội đồng tư vấn. Bổ sung việc gửi “câu hỏi” để giải trình trước phiên họp Hội đồng tư vấn.
Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp về các nội dung thay đổi đang được đưa ra trong dự thảo 05 Thông tư liên quan đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.
Tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ sẽ được ưu tiên trong trường hợp hồ sơ của tổ chức chủ trì là tổ chức đề xuất nhiệm vụ có điểm trung bình đạt từ 70/100 điểm, tổng điểm của hồ sơ được cộng thêm 10% (mười phần trăm) điểm trung bình của hồ sơ đó (Khoản 7 Điều 11).
Về phê duyệt kết quả tuyển chọn, Bộ KH&CN thực hiện phân cấp cho đơn vị quản lý kinh phí phê duyệt thuyết minh nhiệm vụ (Điểm b khoản 3 Điều 15). Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ KH&CN có thể lấy ý kiến của chuyên gia tư vấn độc lập theo quy định.
Nhằm hướng đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, Thông tư 20 đã bỏ quy định phạt 2 năm không được tham gia tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó nghiệm thu “không đạt”.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung khác đã được sửa đổi, bổ sung như: với nhiệm vụ KH&CN cấp bách, phát sinh, Bộ KH&CN “chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thông qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức” và quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định chủ động rút ngắn thời gian các bước theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ.
Với nhiệm vụ KH&CN chứa bí mật nhà nước, Thông tư 20 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng các nhiệm vụ chứa bí mật nhà nước thực hiện theo quy trình tương tự nhiệm vụ thông thường (giao thực hiện theo phương thức trực tiếp), nhưng phải tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành và thiết kế 01 chương dẫn chiếu đến các quy định liên quan về tuyển chọn, giao trực tiếp đối với nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia chứa bí mật nhà nước.
Thông tư 20 ra đời đã kịp thời và có ý nghĩa lớn khi các quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của liên Bộ Tài chính và KH&CN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng NSNN và Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN đã bộc lộ những bất cập, cần sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; chuyển giao công nghệ; sở hữu trí tuệ đã được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung... cũng cần có chính sách đi kèm phù hợp, điều chỉnh kịp thời.
Liên kết nguồn tin: https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/23825/quy-dinh-tuyen-chon--giao-truc-tiep-to-chuc--ca-nhan-chu-tri-thuc-hien-nhiem-vu-khcn-cap-quoc-gia.aspx