Hưng Yên vốn đã nổi tiếng với sản phẩm nhãn lồng. Tuy nhiên, có một thứ quả khác sẽ khiến nhiều người nhớ đến nhiều hơn mỗi khi về địa phương này.
Nói đến quả vải, nhiều người thường nghĩ ngay đến vải thiều Hải Dương hay Bắc Giang. Tuy nhiên, tại Hưng Yên, người tiêu dùng đang được biết đến một loại quả đặc biệt hơn, đó là vải trứng. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, cùng với kinh nghiệm canh tác của nông dân địa phương, vải trứng Hưng Yên đang được người tiêu dùng ưa chuộng và tìm mua.
Giá 200.000 đồng/kg vẫn không có để mua
Những ngày này, người trồng vải tại xã Đa Lộc, huyện Ân Thi và xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đang tất bật thu hái những trái vải trứng cung ứng ra thị trường. Năm nay thời tiết thuận lợi, các hộ sản xuất lại tiếp tục đón nhận vụ vải trứng được mùa được giá, khiến người trồng vải phấn khởi.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có khoảng hơn 250 ha trồng vải trứng, được trồng chủ yếu tại huyện Phù Cừ và một số xã tại huyện Ân Thi, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 150 ha, năng suất đạt khoảng 200 tấn. Tại Hợp tác xã vải trứng thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên hiện có gần 50 ha trồng vải trứng, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng hơn 03 ha, sản lượng năm 2023 ước đạt khoảng hơn 35 tấn, cao hơn năm 2022 gần 20 tấn.
Ông Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên cho biết, dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Vải trứng Hưng Yên cho sản phẩm vải trứng” được thực hiện từ năm 2019 do Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt là đơn vị chủ trì thực hiện. Ngày 5/5/2020, nhãn hiệu chứng nhận “Vải trứng Hưng Yên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ số 349441. Sở Khoa học và Công nghệ là chủ sở hữu đồng thời là cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Vải trứng Hưng Yên”. Ngày 22/5/2020, tại Hội trường xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ (nơi có cây Vải tổ của giống vải trứng Hưng Yên được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 1689/QĐ-UBND ngày 29/7/2020), Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên đã tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Vải trứng Hưng Yên” cho loại nông sản đặc biệt này.
Hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 31 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, gồm: 01 chỉ dẫn địa lý “Hưng Yên” cho Nhãn lồng; 18 nhãn hiệu tập thể như: Hội Tương bần, Quất cảnh Văn Giang – Cam Văn Giang, Gà Đông Tảo, Chạm bạc Huệ Lai,…; 12 nhãn hiệu chứng nhận, như: “Cam Hưng Yên, Long nhãn Hưng Yên, Nếp thơm Hưng Yên, Sen Hưng Yên, Mật ong hoa nhãn Hưng Yên, Chuối tiêu hồng Khoái Châu, Đúc đồng Lộng Thượng,…
Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên – Trần Tùng Chuẩn tại hội nghị công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Vải trứng Hưng Yên”
và hội nghị đầu bờ “Đánh giá kết quả thực hiện đề tài Nghiên cứu xây dựng quy trình ghép cải tạo giống vải trứng Hưng Yên trên gốc vải lai chín sớm Phù Cừ”
Theo các nhà vườn trồng vải ở xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, giá vải trứng Hưng Yên năm nay trung bình từ 180.000-200.000 đồng/kg ngoài thị trường nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Lý do bởi vải trứng ngày càng được nâng cao chất lượng với quy trình canh tác an toàn hướng tới hữu cơ. Đặc biệt, vải trứng Hưng Yên quả to, vỏ đỏ, cùi khô, giòn, khi đưa cùi vải vào miện cảm giác ban đầu có vị ngọt thơm và thanh mát đặc trưng luôn được những người sành thưởng thức tìm mua. Do đó, dù quả Vải trứng Hưng Yên giá cao gấp nhiều lần so với loại vải thông thường nhưng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng, mua làm quà biếu.
Ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc Hợp tác xã vải trứng Hưng Yên, thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi cũng cho hay, năm nay, thời tiết thuận lợi nên Vải trứng Hưng Yên được mùa, được giá. Từ trước khi thu hoạch, đã có nhiều thương lái đến tận vườn đặt mua. Vải thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có thời điểm không đủ để bán. Chính vì thế, giá vải càng về cuối vụ càng tăng cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hùng Nam tại Phiên chợ vải Hưng Yên năm 2023, tổ chức tại khu đô thị Eco Park ngày 27-28/5/2023
Cần nâng cao hơn nữa chất lượng, sản lượng
Theo ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc HTX vải trứng Hưng Yên, cây vải trứng được trồng từ năm 1994. Tuy nhiên, thời điểm đó, kỹ thuật trồng chưa có, người nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm trồng nên năng suất không cao. Đã có thời điểm người dân phá bỏ cây vải trứng để trồng loại cây ăn quả khác, chỉ giữ lại một phần nhỏ để chăm sóc.
“Sau một thời gian, nhận thấy giá trị kinh tế của cây vải trứng, các hộ dân đã trồng trở lại và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Sở KH&CN, Sở NN&PTNT thường xuyên tổ chức những lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách cho người nông dân, từ đó chất lượng của vải trứng ngày càng được nâng lên, mang lại năng suất, chất lượng tốt”, ông Hiểu cho hay.
Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân, Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Hưng Yên tại vườn vải của HTX vải trứng Hưng Yên
Lý giải nguyên nhân thời gian dài vải trứng không đạt năng suất như mong đợi, bà Nguyễn Thái Kiều Ngân, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên cho biết, cây vải trứng trước đây do người dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thâm canh nên vải còn hiện tượng được mùa cách năm, sản lượng hàng năm rất thấp.
Năm 2018, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề tài khắc phục hiện tượng ra quả cách năm thành công, cho hiệu quả và ổn định. Nhận thấy vải trứng có giá trị kinh tế cao, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề tài ghép mắt vải trứng trên gốc vải lai chín sớm từ năm 2020 để mở rộng diện tích và gia tăng nhanh sản lượng. Từ đó, vải trứng ngày càng được nhân dân tiếp thu tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng diện tích trồng, từng bước nâng sản lượng vải trứng hàng năm.
Năm 2022, lần đầu tiên, loại quả đặc sản này được xuất khẩu sang châu Âu và nhận được những phản hồi tích cực. Một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản mới đây cũng đã xuất khẩu 02 tấn vải trứng sang thị trường này, tạo nên sức hút đặc biệt đối với khách hàng EU.
Người dân mong muốn hạ tầng giao thông sẽ được cải thiện hơn trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đang tăng cao
Theo Sở KH&CN Hưng Yên, để nâng cao hơn nữa chất lượng và sản lượng của vải trứng, các địa phương nên lựa chọn vùng trồng có diện tích từ 10 ha trở lên, đảm bảo không gian, diện tích cho cây vải sinh trưởng, phát triển. Cùng với đó, người trồng cần ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, sản xuất; phải thực hiện tốt, nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong danh mục được phép; theo dõi đủ thời gian cách ly sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình thu hoạch vải phải sơ chế, đảm bảo nơi bảo quản thoáng mát, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về vấn đề này, ông Đoàn Văn Hiểu – Giám đốc HTX vải trứng Hưng Yên đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Hưng Yên, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đặc thù cho cây ăn quả nói chung và cho cây vải trứng Hưng Yên nói riêng nhằm hạn chế sử dụng nhiều loại, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Các cơ quan, ban ngành tăng cường tổ chức tập huấn về kỹ thuật thâm canh vải trứng, phổ biến những kiến thức về khoa học, công nghệ mới nhất cho nông dân. Đồng thời, chính quyền địa phương cần quan tâm mở rộng hạ tầng đường giao thông để đảm bảo khâu vận chuyển do vùng trồng nằm giữa cánh đồng, đường đi vào khó; hệ thống điện cần đảm bảo ổn định cho quá trình tưới tiêu.
Để nâng cao chất lượng, uy tín thương hiệu “Vải trứng Hưng Yên” và đảm bảo tính bền vững, ông Hiểu cùng người dân vùng trồng vải trứng mong muốn những nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tạo thị trường tiêu thụ Vải trứng Hưng Yên khi sản lượng tăng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/san-vat-noi-tieng-khien-nhieu-nguoi-thuong-nho-khi-den-tinh-hung-yen-245616.html