Cùng với việc ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính, đầu tư, tài sản, trong đó lưu ý cơ chế bố trí vốn cho hoạt động khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển khoa học và công nghệ...
Ảnh minh họa
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành văn bản số 690/TTg-KGVX yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, các giải pháp toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, rà soát các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tham mưu, đề xuất Chính phủ, cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, các giải pháp toàn diện, hiệu quả để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Theo đó, định hướng trọng tâm sẽ tập trung ban hành cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ; tập trung gỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.
Tạo dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khẩn trương ra đời thị trường khoa học và công nghệ phát triển công khai minh bạch, hội nhập và bền vững.
Cùng với đó nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nghệ.
BỐ TRÍ VỐN CHO HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THEO CƠ CHẾ QUỸ
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính, đầu tư, tài sản, trong đó lưu ý cơ chế bố trí vốn cho hoạt động khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Xây dựng, ban hành cơ chế hạch toán tài chính đối với doanh nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ, đề xuất chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học, công nghệ, thúc đẩy việc thành lập và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế về tín dụng, nguồn vốn, thuế, đất đai, hỗ trợ tiếp cận thị trường... nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.
Khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hóa tối đa thủ tục thanh, quyết toán cho các nhà khoa học, cơ quan quản lý khoa học khi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực.
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp, đôn đốc các Bộ, cơ quan báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8/2023.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030 là phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội, cho tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội, chưa giải đáp kịp thời nhiều vấn đề của thực tiễn đổi mới.
Liên quan đến vấn đề bố trí vốn cho hoạt động khoa học và công nghệ theo cơ chế quỹ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển khoa học và công nghệ, tại tọa đàm về thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ mới đây, một số chuyên gia cho rằng, cần phải đổi mới cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ, phải thực hiện cơ chế quỹ.
Theo các chuyên gia, hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều cấp phát cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ thông qua các quỹ hoặc thực hiện theo cơ chế quỹ. Các nhà khoa học khi có ý tưởng nghiên cứu được cấp có thẩm quyền đánh giá sẽ được cấp kinh phí để triển khai nghiên cứu.
Hiện nay ở Việt Nam đã hình thành một số quỹ như Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) hỗ trợ các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Natif) hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ thực hiện các dự án đổi mới công nghệ.
Bên cạnh đó đã xuất hiện thêm các quỹ của các viện, trường như Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh; Quỹ BK Fund của Trường đại học Bách khoa...và quỹ của doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ, điển hình như Quỹ đổi mới sáng tạo VinIF- một bước ngoặt trong hoạt động hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Nguồn: https://vneconomy.vn/se-ban-hanh-co-che-dac-thu-chap-nhan-rui-ro-that-bai-trong-nghien-cuu-khoa-hoc.htm