Ngày 14/12/2023, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy và đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ đã có buổi làm việc với đoàn công tác Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) do ngài Brian D. McFeeters, nguyên Đại sứ, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, làm trưởng đoàn. Cùng đi có đại diện 6 tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin.
Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi về các ưu tiên trong Chương trình phát triển kinh tế - xã hội số và chiến lược chuyển đổi số do Bộ KH&CN đề ra, dự kiến triển khai vào năm 2024 với mục đích duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu trước những biến động của nền kinh tế toàn cầu, đưa nền kinh tế số và hệ sinh thái công nghệ cao Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vào việc thực hiện các ưu tiên đó.
Bên cạnh đó, hai bên cùng nhau trao đổi về thông lệ quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất trong việc hoàn thiện khung pháp lý quản lý để đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phục vụ ưu tiên xây dựng hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, công nghệ mới nổi. Chia sẻ về xu hướng phát triển của các công nghệ mới nổi (ví dụ như trí tuệ nhân tạo - AI) có tiềm năng đóng góp vào nền kinh tế số và trao đổi về cơ hội hợp tác trong việc tăng cường nghiên cứu và triển khai ứng dụng của công nghệ trong kinh tế - xã hội số, cũng như các cơ hội hợp tác xây dựng năng lực, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy khẳng định, Việt Nam đã và đang rất quan tâm đến Chiến lược phát triển AI, trong đó bao gồm hoạt động nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Chính sách quản lý cũng là nội dung mà Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và có nhiều kế hoạch để đảm bảo sự phát triển một cách bền vững. Ngày hội AI thường niên do Bộ KH&CN tổ chức đã có nhiều thảo luận chuyên sâu về những nội dung này. Bộ KH&CN đề nghị USABC tham dự một cách tích cực vào sự kiện này để có các trao đổi cập nhật về sự phát triển của công nghệ và và các chính sách có liên quan.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tiếp và làm việc với Đoàn doanh nghiệp cấp cao Hoa Kỳ - ASEAN.
Đối với việc xây dựng chính sách KH&CN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị USABC trao đổi cụ thể với các đơn vị trực thuộc Bộ về từng lĩnh vực quan tâm.
Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Bộ KH&CN đang chủ trì xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN nhằm hoàn thiện thể chế về KH&CN, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Ông Brian D. McFeeters, nguyên Đại sứ, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á bày tỏ cảm ơn lãnh đạo Bộ KH&CN đã dành thời gian tiếp; khẳng định thời gian qua quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu; nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã và đang đầu tư, kinh doanh ổn định tại Việt Nam.
Trên cơ sở hợp tác toàn diện, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cam kết sẽ hỗ trợ Bộ KH&CN tiếp cận với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, các tập đoàn công nghệ hàng đầu. Cùng với đó, mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục tạo điều kiện để Hội đồng tổ chức các đoàn công tác đến trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư; hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong kế hoạch dịch chuyển đầu tư toàn cầu, triển khai phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng để đầu tư hiệu quả, triển khai phát triển các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao thúc đẩy nền kinh tế số, chuyển đổi số.
Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ASEAN Business Council, www.usasean.org) là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C., đại diện cho gần 180 công ty thành viên có hoạt động kinh doanh toàn cầu, phần lớn trong số đó nằm trong danh sách 500 công ty hàng đầu Hoa Kỳ do tạp chí Fortune bình chọn. Các công ty thành viên của Hội đồng hoạt động trong những ngành kinh tế đa dạng, năng động và có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Hội đồng hỗ trợ các công ty thành viên kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với các quốc gia trong khu vực.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN