Bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao - Thương mại Australia về hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ký ngày 4/6.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đã ký kết bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Anthony Albanese trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam ông. Việc ký kết không chỉ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai bên, mà còn góp phần tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước.
Thủ tướng Việt Nam và Australia chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Ảnh: TTTT
Lễ ký thực hiện trong bối cảnh Chính phủ Australia rất chú trọng đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tại Chiến lược Khoa học và Đổi mới quốc gia (2016) của Australia, Việt Nam là 1 trong 17 quốc gia trong danh mục ưu tiên hợp tác. Chiến lược Tăng cường hợp tác kinh tế giữa Australia và Việt Nam đã đem đến cơ hội tiềm năng cho việc hợp tác giữa các tổ chức của Australia và Việt Nam về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, tri thức và đổi mới sáng tạo là một trong các trụ cột chính của quan hệ đối tác chiến lược song phương giữa Australia và Việt Nam.
Theo bản ghi nhớ, hai bên sẽ tạo điều kiện trao đổi và chia sẻ thông tin về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Xác định các ý tưởng và lợi ích chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo bao gồm các hoạt động trong Chương trình Đối tác về đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (Aus4Innovation).
Trong giai đoạn 2018-2022, Aus4Innovation đã dành tổng ngân sách 13,45 triệu AUD nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam trong tương lai số. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương Mại Australia (DFAT), quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Theo chương trình hợp tác này, nhiều hoạt động đã được triển khai hiệu quả. Có 4 hợp phần được triển khai gồm: Tập trung Xây dựng tầm nhìn chiến lược số (Digital Foresighting); Thương mại hóa kết quả nghiên cứu (SCP); Cơ chế tài trợ cạnh tranh (Competitive Grants); Hỗ trợ chính sách về đổi mới sáng tạo (Innovation Policy). Ở hợp phần 4 chương trình cũng hỗ trợ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Chiến lược đã ban hành, xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Nguồn: Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN; Vụ Hợp tác quốc tế