Tọa đàm khoa học “Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ - Khơi nguồn tri thức, công cụ hữu hiệu để phát

Hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), hướng tới chào mừng 63 năm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/1959-18/5/2022). Sở KH&CN tỉnh Hưng Yên phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Dịch vụ khoa học và công nghệ - Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Ủy ban nhân dân huyện Văn Lâm tổ chức chương trình tọa đàm khoa học “Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ - Khơi nguồn tri thức, công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hưng Yên”.

Về dự tại buổi tọa đàm có các đại biểu các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ: Ông Phạm Hồng Quất - Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN; Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Trần Vũ Tuấn Phan - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ khoa học và công nghệ, Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Phía tỉnh Hưng Yên có đồng chí TS. Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh; ThS. Trần Tùng Chuẩn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Hưng Yên và đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh.

Ngoài ra còn có các đơn vị tư vấn về sở hữu công nghiệp, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo và các sinh viên tiêu biểu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp tiêu biểu về phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo; một số doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

 

Ảnh 3: ThS. Trần Tùng Chuẩn – TUV, GĐ Sở KH&CN phát biểu khai mạc

Phát biểu Khai mạc buổi tọa đàm ThS. Trần Tùng Chuẩn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&CN đã khẳng định “Đổi mới sáng tạo đã trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng hành với đó là Sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế nhằm đưa Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ thành công cụ, phương tiện hữu hiệu để phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, của tỉnh”.

Đồng chí cũng cho biết: Sau 4 năm triển khai thực hiện Kế hoạch “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017 – 2020”, đã hỗ trợ cho 20 doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng để áp dụng hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến ISO 9001:2015 ; HACCP ; GMP-WHO; xây dựng 20 mô hình đổi mới sáng tạo. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh bước đầu có những chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến, chủ động đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Giai đoạn 2015 – 2020, tỉnh Hưng Yên là một trong 10 địa phương có số lượng đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao trong cả nước. Ngoài ra, tỉnh quan tâm hỗ trợ tạo lập, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 29 sản phẩm tiêu biểu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy đã có chuyển biến, nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh còn phân tán, nhỏ lẻ, hoạt động chưa đồng bộ, chưa tương xứng, nhận thức của một số địa phương, cơ sở, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp về sở hữu trí tuệ còn hạn chế, chưa thực sự chú trọng sử dụng tài sản trí tuệ là một công cụ để phát triển bền vững. Hoạt động khai thác các giá trị của tài sản trí tuệ, các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa chủ lực của tỉnh chưa được xây dựng và phát triển theo chuỗi; các hoạt động đăng ký, xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, trong tỉnh vẫn còn ít, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hộ quyền đối với giống cây trồng, quyền tác giả và quyền liên quan, chưa tương xứng với nhu cầu, tiềm năng các tài sản trí tuệ của tỉnh; sự phối kết hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng.

TS. Nguyễn Duy Hưng -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo và định hướng buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Duy Hưng -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh khẳng định vai trò, tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong việc khơi nguồn tri thức, là công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên. Đồng chí cũng đề nghị các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh sớm đưa các chương trình, quyết định của Chính phủ, của tỉnh về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống. Thông qua tọa đàm, các ngành, đoàn thể cần tăng cường tiếp cận kiến thức do các nhà khoa học, chuyên gia đã trao đổi nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong xây dựng các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các trường đại học, cao đẳng có thêm thông tin, kiến thức để xây dựng chương trình đào tạo cho sinh viên; Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục chọn lọc, tiếp thu các kiến thức do các nhà khoa học, chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm để tham mưu với Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh nhằm đưa đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ đi vào thực chất, thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Buổi tọa đàm dành nhiều thời gian để các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và trường đại học trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ.

          Đã có 14 ý kiến phát biểu của các đại biểu tập trung thảo luận, bàn luận một số vấn đề như nhận diện các khó khăn cơ bản mà các nhà sáng chế phải đối mặt và đề xuất để thực hiện, một số kinh nghiệm thực tiễn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đề xuất hệ thống các giải pháp hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ khai thác tài sản trí tuệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN chia sẻ kinh nghiệm để doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công được khởi điểm từ một trong hai khía cạnh: một là tự mầy mò bằng cách tự góp vốn, huy động vốn, kinh nghiệm, từ sự giúp đỡ của người thân để khởi nghiệp, với mô hình khởi nghiệp này rủi ro cao bởi khó theo kịp được xu hướng phát triển kinh tế thị trường. Khía cạnh thứ hai là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với việc chủ động hình thành ý tưởng, từ đó đặt hàng ý tưởng đó, khi đã có giải pháp hữu hiệu để thực hiện ý tưởng thì tiến hành các bước tiếp theo là huy động các nguồn lực để thực hiện ý tưởng dựa trên các tài sản trí tuệ đã được công nhận hoặc đã được hình thành hoặc sẽ được nghiên cứu để thực hiện, hình thành quy trình đổi mới sáng tạo mở cho doanh nghiệp đó là chủ động đặt vấn đề => phát hiện vấn đề => đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề => huy động các nguồn lực thực hiện vấn đề => vận hành quy trình thực hiện hiệu quả.

Ông Quất cũng chia sẻ thêm việc hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo chủ yếu thực hiện khâu kết nối giữa bên cung và cầu, tức là kết nối giữa việc tìm kiếm vấn đề, đề xuất vấn đề với bên có các giải pháp trí tuệ để giải quyết vấn đề. Do đó các trung tâm này sẽ đóng vai trò quan trọng trong khâu trung gian kết nối giữ liệu các giải pháp khả thi dựa trên mô hình tuần hoàn tạo thành hệ sinh thái bền vững, hiệu quả mới tạo nên được sự đột phá về dổi mới sáng tạo.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ lại chia sẻ về thành công của một doanh nghiệp đó là phải phát triển được tốt về hàng hóa dịch vụ và phải phát triển được tốt về thương hiệu sản phẩm của mình bằng cách sớm có sản phẩm uy tín đến tay người tiêu dùng và được người tiêu dùng chấp nhận. Có như vậy cần phải có thương hiệu đủ lớn, giá trị của thương hiệu phải cao, do vậy việc đầu tư của doanh nghiệp vào sản phẩm đó là rất lớn để có được sản phẩm tốt, phù hợp với người tiêu dùng và kết hợp quảng bá để sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng tốt nhất. Bên cạnh đó cần phải thực thi và bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ và làm động lực phát triển doanh nghiệp và phải xác định thương hiệu như một công cụ có hai mặt “rất sắc” và cũng “rất cùn” tức là có thể phát huy được những điểm mạnh, phát huy được tài sản trí tuệ đó một cách hiệu quả, cũng như có thể sẽ làm cho tài sản trí tuệ đó dần dần mất đi tùy vào sự sử dụng của doanh nghiệp để phát huy tài sản trí tuệ đó là “rất sắc” hay “rất cùn”.

Ông Hồng cũng chia sẻ kinh nghiệm để có một trung tâm ươm tạo thành công cần phải có các yếu tổ “khát khao” thể hiện ở sự đam mê, biết được những thế mạnh của mình để phát huy, phải có sự “khác biệt” về sản phẩm của mình (bí quyết công nghệ) và phải có sự thống nhất mà ông Hồng cho rằng ở đây là “thực chất” đó là phân công, phân nhiệm rõ ràng, phân chia nguồn vốn và lợi nhận rõ ràng minh bạch.

Cũng cùng quan điểm về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ thì NGUT. PGS.TS. Chu Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho rằng vai trò của sở hữu trí tuệ và nhất là đổi mới sáng tạo trong nhà trường càng được quan tâm bởi là nơi chính trong chung cấp nguồn nhân lực về trí thức, cũng là nơi cung cấp lớn về trí tuệ, các công trình nghiên cứu, các ý tưởng và là nơi chuyển giao tri thức về khoa học công nghệ ba nhà: doanh nghiệp- nhà trường- nhà nước (cơ chế, chính sách) cho nên yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên phải được đào tạo, đam mê học hỏi, nghiên cứu và chuyển gia tri thức.

Những nội dung trao đổi tại tọa đàm đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các nhà nghiên cứu, sinh viên tham gia trao đổi trước và sau tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ThS. Trần Văn Khánh – Phó Tổng giám đốc  Công ty cổ phần Dược và Thú y (HANVET) cho rằng để doanh nghiệp thành công trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phải có cơ duyên, nhanh nhạy, cố gắng, xác định được tiềm lực mà trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất, có chút may mắn (cơ hội) và thường xuyên có ý tưởng đổi mới sáng tạo,… như vậy thì tỉ lệ thành công mới cao.

Đồng quan điểm ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc HTX nấm sạch Việt Tú tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên (doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tại Hưng Yên) lại chia sẻ những bước đi và thành công của những doanh nhân trẻ khi bước vào khởi nghiệp mà nhất là khởi nghiệp sáng tạo thì ngoài khát khao của bản thân, cần phải hình thành được ý tưởng và tìm kiếm được các giải pháp để thực hiện ý tưởng bằng các tài sản trí tuệ đã được hình thành về hoàn thiện, áp dụng và đổi mới cho phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó cần có sự chung tay và hỗ trợ của cơ chế chính sách, của nhà nước và địa phương để doanh nghiệp phát triển hiệu quả.

        

Bà Nguyễn Thị Đông – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoa Lan phát biểu “Những tọa đàm như thế này là rất cần thiết, cần có nhiều tọa đàm như thế này để các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khoa học và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và của Hưng Yên nói riêng hiểu được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Ngoài ra bà Đông còn đặt vấn đề về việc hỗ trợ cụ thể của nhà nước đối với các sản phẩm tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khi hoàn hành và khi mới hình thành ý tưởng.

Em Đỗ Thị Như Quỳnh – Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho biết “trước buổi tọa đàm, đối với một số sinh viên thì khái niệm về sở hữu trí tuệ rất là mơ hồ, chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, qua buổi tọa đàm đã hiểu rõ hơn về sở hữu trí tuệ nói chung và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo nói riêng để giúp tăng phần hiểu biết của sinh viên nói chung và của thế hệ trẻ nói riên trong định hướng và tự hướng nghiệp, tự khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho chính bản thân mình”

Cũng theo em Ngô Thị Quyên – sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho thấy “ Việc đăng kí sở hữu trí tuệ là điều hết sức quan trọng, cần thiết để đảm bảo được quyền lợi của mình, công trình nghiên cứu của mình, sản phẩm của mình tạo ra”.

 

Qua buổi tọa đàm, các đại biểu đã nêu các câu hỏi và các đại biểu đại diện các ngành, lĩnh vực đã trả lời và chia sẻ những kinh nghiệm mà các đại biểu quan tâm.

Kết thúc buổi tọa đàm, ThS. Trần Tùng Chuẩn – TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp thu ý kiến phát biểu, tham gia và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo tỉnh. Qua buổi tọa đàm cho thấy rằng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khởi nghiệp dựa trên sự đam mê, trải nghiệm sâu sắc và ứng dụng công nghệ cao. Để từ đó tạo ra các mô hình, sản phẩm sáng tạo, có sự đột phá trong tăng trưởng, vượt trội trong cạnh tranh… nhằm giải quyết một hoặc nhiều nhu cầu nào đó đến từ thị trường.

Xác định rõ vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, là lực lượng quan trọng để phát triển sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ sẽ không ngừng đổi mới sáng tạo trong hoạt động, từ đổi mới trong quản lý nhà nước theo hướng hiệu lực, hiệu quả, đến đổi mới trong công tác tham mưu đặt hàng, tuyển chọn, quản lý, thanh quyết toán các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, qua đó nâng cao chất lượng các nhiệm vụ KH&CN được giao quản lý. Kịp thời tham mưu UBND, HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách quan trọng thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 và ISO điện tử vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh việc tạo lập, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh, tập trung vào nhóm các sản phẩm OCOP. Thúc đẩy hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quản lý, sản xuất và kinh doanh dịch vụ đảm bảo hiệu quả trong khơi nguồn tri thức, công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới./.

Trường Long

PGĐ Trung tâm Thông tin, Thống kê, ứng dụng KH&CN

Liên kết