Vai trò của các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh của sinh viên.

Vai trò của các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh của sinh viên.

ThS Vũ Xuân Thu - Phó Chánh Văn phòng

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một phần động lực cho sự phát triển kinh tế, là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quốc gia khởi nghiệp phải xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp (Startup Ecology), nơi mà ở đó, mọi ý tưởng sáng tạo, ý tưởng đổi mới, ý tưởng khởi nghiệp đều được trân trọng, vun đắp, ví như “những cây sú, vẹt, rừng đước” “những cây tiên phong” trong diễn biến hệ sinh thái (Ecology sucession).

Một phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp chính là ý tưởng của sinh viên trong các trường Đại học, Cao đẳng, thuộc tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục, du lịch và dịch vụ ẩm thực, kinh tế, kỹ thuật… Những năm qua có nhiều gương mặt khởi nghiệp thành công như: Sơn Kova của Nguyễn Thị Hòe khởi nghiệp từ trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí, Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật Nhiệt của Chu Văn Kính Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hay Tập đoàn FPT của Trương Gia Bình sau đó trở thành một công ty Cổ phần FPT. Chỉ tính riêng 5 thương vụ kêu gọi đầu tư thành công nhất đã có tổng giá trị lên đến 50 triệu USD (Momo – 28 triệu USD, F88 – 10 triệu USD, Got It! – hơn 9 triệu USD, Vntrip.vn – 3 triệu USD…). Mới đây nhất, doanh nghiệp Foody – mạng xã hội về ẩm thực đã được tập đoàn Sea Limited của Singapore mua lại 82% cổ phẩn với giá 64 triệu USD. Hiện nay, đã có hơn 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam, điển hình như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startup… (theo Phạm Minh Nguyệt. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 12 năm 2017).

Thực tế cho thấy, để được thành công như vậy, tất cả các ý tưởng khởi nghiệp đều phải trải qua những giai đoạn “thai nghén” đầy khó khăn. Nhưng với quyết tâm, đam mê và trí tuệ của mình, các stratup đã phần nào khẳng định được bản thân, khẳng định được ý tưởng của mình trước các nhà đầu tư. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khơi gợi những ý tưởng sáng tạo, ý tưởng đổi mới, khởi sự kinh doanh? Trong những năm gần đây, Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành địa phương đã xây dựng các chương trình, đề án thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, khởi sự sinh viên:

Đề án 844 về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 được thành lập theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu: Tạo lập môi trường thuận lợi, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó, 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển 2000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 600 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, 100 doanh nghiệp gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm.

Đề án 1665 về Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 được thành lập theo Quyết định số 1665/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ nhằm: Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị các kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại trường. Tạo môi trường thuận lợi hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đến năm 2020 có 100 %  trường đại học, học viện, 50% trường cao đẳng, trung cấp có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp, kết nối với doanh nghiệp và các Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Tại tỉnh Hưng Yên, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động khởi nghiệp đến sự phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 295/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh về việc quy định nội dung và mức chi thực hiện đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh đã ban hành số 142/KH-UBND ngày 16/9/2021 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, đây là hành lang pháp lý quan trọng nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong tỉnh; Hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến khởi nghiệp ĐMST; Thu hút vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn lớn;Tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng về khởi nghiệp ĐMST từ tầng lớp học sinh, sinh viên tại các trường đại học…

Như vậy, hành lang pháp lý cho hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cơ bản hoàn thiện. Đây là cơ sở đề các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực vào hệ sinh thái khởi nghiệp với các hoạt động cụ thể. Vậy, công việc phải làm của các trường Đại học – Cao đẳng là gì? Vai trò của nhà trường trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Hưng Yên?

Thứ nhất, các trường Đại học – Cao đẳng cần có nhận thức đầy đủ về vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên nhà trường đối với hiệu quả các tác giảng dạy. Các ý tưởng khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp là tiêu chuẩn, thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của từng Khoa, Bộ môn, Phòng, ban chuyên môn của Nhà trường. Nhà trường cần lựa chọn 1 ngày cụ thể làm “Ngày hội khởi nghiệp học sinh, sinh viên” nhằm phát động phong trào nghiên cứu khoa học thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, nâng tầm hoạt động nghiên cứu khoa học: Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, nhà trường đóng vai trò kết nối: kết nối nghiên cứu khoa học, ý tưởng khởi nghiệp, ý tưởng đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên với các Đề án của Chính phủ, Bộ ngành, của tỉnh Hưng Yên: Đề án 844, Đề án 1665, Kế hoạch 2009, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hưng Yên, kết nối với các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư, phát triển khoa học và công nghệ, kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư thiên thần… nhằm thu hút  nguồn hỗ trợ từ Tài chính, kinh nghiệm khởi nghiệp, cơ chế, chính sách. Từ đó, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Thứ ba, thành lập “vườn ươm khởi nghiệp” trực thuộc nhà trường và do nhà trường chủ động trong việc lựa chọn đối tượng tham gia, bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nguồn nhân lực, tài chính. Mục tiêu của vườn ươm là phát hiện, huấn luyện và hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này, nhà trường cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên gắn với các yêu cầu từ thực tiễn công việc. Từ đó, lựa chọn ý tưởng để đầu tư ban đầu, huấn luyện và kết nối với các nguồn tài chính hỗ trợ để hoàn thành “sản phẩm khởi nghiệp”.

Thứ tư, thành lập đội ngũ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trên cơ sở nền tảng là đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường và một số chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp. Từ đó, xây dựng chương trình đào tạo nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ tư vấn, huấn luyện cho đội ngũ “huấn luyện viên”;

Thứ năm, xây dựng “câu lạc bộ khởi nghiệp” “Chương trình khởi nghiệp” “Ngày hội khởi nghiệp” “doanh nhân khởi nghiệp tương lai”... nhằm thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ sinh viên những thông tin pháp lý về hoạt động khởi nghiệp, thị hiếu tiêu dùng của thị trường. Hàng năm, sẽ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, thăm quan trực tiếp tại các mô hình khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công để vun đắp ý tưởng khởi nghiệp.

Tóm lại, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là sinh viên còn thiếu nhiều kiến thức, tài chính, thị trường khởi nghiệp. Tuy nhiên, Việt Nam nói chung, Hưng Yên nói riêng và các trường Đại học, Cao đẳng, có lực lượng sinh viên có tiềm năng sáng tạo, nhiệt huyết, say mê với công tác nghiên cứu khoa học. Đây chính là động lực để thực hiện Phong trào Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở mọi cấp độ, quy mô, mọi lĩnh vực, “làm sao để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải là một phong trào vụt lên rồi bẵng đi mà phải liên tục, bền vững. Đi một mình có thể đi nhanh nhưng để đi xa thì phải đi cùng nhau” (Trích lời Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2017 – Techfest 2017) chúng ta cần phải có sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, của cộng đồng Startup, cộng đồng nhà đầu tư, nhà nghiên cứu và các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư phát triển khoa học và công nghệ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Thanh Tùng. Vườn ươm khởi nghiệp – Bài học kinh nghiệp từ các Quốc gia phát triển cho Việt Nam. Khai thác tại http:// http://tapchikhoahoctre.com.
  2. Vũ Cao Đàm. Chào mùa xuân khởi nghiệp và đổi mới. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. ISSN 1859 – 4794, Số 1 năm 2018 (706).
  3. Phạm Minh Nguyệt. Ngọn lửa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không ngừng lan tỏa. Techfest Việt Nam 2017. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. ISSN 1859 – 4794, Số 12 năm 2017(705).
  4. Trần Văn Tùng. Hướng tới mô hình đại học doanh nghiệp. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam. ISSN 1859 – 4794, Số 2 năm 2018(707).
  5. Lê Quốc Nghi, Lê Thị Diệu Huyền, Mai Võ Ngọc Thanh. Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định khởi sự doanh nghiệp của sinh viên khối ngành Quản trị kinh doanh  tại các trường Đại học/Cao đẳng tại thành phố Cần Thơ. Khai thác tại http://vhu.edu.vn.

Liên kết