Trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số góp phần tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.
 |
Lễ trao Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phát triển số và đổi mới sáng tạo giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Phát triển số và Thông tin Singapore. (Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ) |
Chuyển đổi xanh đang ngày càng trở thành xu thế phát triển tất yếu trên toàn cầu, phản ánh nhận thức sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tính cấp bách trong ứng phó với khủng hoảng khí hậu, suy giảm tài nguyên và mất cân bằng sinh thái.
Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh hóa, phát thải thấp và bao trùm không chỉ là một lựa chọn, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia muốn phát triển bền vững trong dài hạn.
Cú hích chiến lược đưa Việt Nam phát triển bền vững
Việt Nam, với vai trò là quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu, đã thể hiện cam kết mạnh mẽ thông qua việc công bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Cam kết này không chỉ thể hiện trách nhiệm quốc tế mà còn mở ra cơ hội chiến lược để cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hướng tới một nền kinh tế hiện đại, bền vững.
Trong quá trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS) đóng vai trò là những trụ cột nền tảng, vừa tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, vừa cung cấp công cụ hiệu quả để giải quyết các thách thức môi trường - xã hội.
Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), blockchain, công nghệ sinh học phân tử, năng lượng tái tạo, vật liệu mới và mô hình kinh tế tuần hoàn đang góp phần định hình lại cách thức sản xuất, tiêu dùng và quản trị xã hội. Không chỉ giúp tối ưu hóa tài nguyên, giảm thiểu phát thải, những công nghệ này còn tạo ra các ngành kinh tế mới, việc làm xanh và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Nhìn từ góc độ chính sách, Việt Nam đã xác lập rõ định hướng phát triển xanh trong các chiến lược quốc gia quan trọng. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2050, cùng với Chiến lược phát triển KHCN, ĐMST giai đoạn 2021-2030, đã xác định KHCN, ĐMST là động lực then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bộ Khoa học và Công nghệ, với vai trò là cơ quan chủ trì trong lĩnh vực này, đã chủ động triển khai nhiều chương trình lớn, trong đó nổi bật là Chương trình KHCN quốc gia phục vụ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 - Chương trình Net Zero, với trọng tâm là nghiên cứu, làm chủ và chuyển giao các công nghệ xanh, công nghệ carbon thấp và các giải pháp công nghệ ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xanh, thúc đẩy các nền tảng khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực môi trường, năng lượng sạch, nông nghiệp chính xác, giao thông xanh và kinh tế tuần hoàn.
Tại cấp doanh nghiệp, KHCN đang được xem như công cụ thiết yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí năng lượng, tối ưu hóa chuỗi giá trị và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe từ thị trường quốc tế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ xanh, ứng dụng chuyển đổi số và tham gia vào các chuỗi giá trị xanh toàn cầu. Thông qua các chương trình như Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình 562, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các nền tảng kết nối cung-cầu công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thúc đẩy liên kết giữa viện -trường-doanh nghiệp, góp phần hình thành thị trường công nghệ xanh và các mô hình hợp tác công-tư hiệu quả.
Trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nhân lực, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng công nghệ xanh, kỹ năng số và quản trị ĐMST. Đội ngũ lao động chất lượng cao, có năng lực nghiên cứu-triển khai, ứng dụng công nghệ mới chính là lực lượng xung kích đưa các giải pháp KHCN, ĐMST vào thực tiễn sản xuất-kinh doanh, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ phụ thuộc tài nguyên sang dựa trên tri thức và công nghệ.
Khoa học, công nghệ: Kiến tạo nền kinh tế xanh
 |
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xanh toàn diện, kết nối các trung tâm đổi mới sạng tạo, các khu công nghệ cao và hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo hướng xanh hóa là những ưu tiên trong quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. (Nguồn: Dangcongsan.vn) |
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản cả về thể chế, nguồn lực, năng lực hấp thụ công nghệ và mức độ sẵn sàng về cơ sở hạ tầng.
Các thách thức bao gồm chi phí đầu tư cao cho công nghệ xanh, thiếu hụt các cơ chế tài chính xanh hiệu quả, hệ sinh thái ĐMST chưa đủ mạnh để dẫn dắt các ngành kinh tế xanh. Việc làm chủ các công nghệ nền tảng còn hạn chế do năng lực nghiên cứu và triển khai nội sinh chưa cao, trong khi thị trường lao động cũng chưa bắt kịp với yêu cầu chuyển dịch sang nền kinh tế xanh.
Trước thực tiễn đó, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định cần tiếp tục tập trung vào năm đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xanh, bao gồm chính sách thuế, tín dụng ưu đãi, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho công nghệ thân thiện môi trường.
Ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ đột phá, đặc biệt là công nghệ năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng, công nghệ carbon capture, công nghệ sinh học nông nghiệp và công nghệ số phục vụ quản lý môi trường.
Xây dựng hệ sinh thái ĐMST xanh toàn diện, kết nối các trung tâm ĐMST, các khu công nghệ cao và hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo hướng xanh hóa. Thúc đẩy mô hình hợp tác công-tư để chia sẻ rủi ro, huy động vốn đầu tư tư nhân và quốc tế vào các dự án công nghệ xanh quy mô lớn.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ xanh, thông qua các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là trong khuôn khổ các sáng kiến toàn cầu như Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) hay chương trình của Liên hợp quốc và các tổ chức phát triển quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào giai đoạn quyết định của quá trình chuyển đổi xanh, Việt Nam xác định không thể đứng ngoài cuộc. Bộ Khoa học và Công nghệ sẵn sàng đồng hành cùng các đối tác quốc tế và khu vực trong nỗ lực thúc đẩy công nghệ xanh, xây dựng năng lực ĐMST, hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững.
Thông qua việc lồng ghép KHCN, ĐMST vào các trụ cột phát triển quốc gia, Việt Nam quyết tâm xây dựng một mô hình tăng trưởng mới - nơi mà tri thức, sáng tạo và công nghệ là động lực cốt lõi, nơi mà kinh tế, xã hội, môi trường được cân bằng hài hòa và nơi mà những cam kết xanh trở thành hiện thực sống động trong đời sống kinh tế, cộng đồng.
Nguon: https://baoquocte.vn/xay-dung-nang-luc-doi-moi-sang-tao-hien-thuc-hoa-tam-nhin-phat-trien-ben-vung-311358.html