Sở hữu trí tuệ làm tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm

Từ thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm. Không chú trọng SHTT sẽ không có sản phẩm công nghệ cao, mang thương hiệu.

 

Toàn cảnh Hội nghị SHTT năm 2022.

Sáng 17/3, tại Thành phố Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị SHTT năm 2022 nhằm tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về SHTT năm 2021, bàn thảo những định hướng lớn trong năm 2022. 

Tham dự có các đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Dự hội nghị còn có đại diện Bộ Tài chính; lãnh đạo Cục SHTT; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN và 285 đại biểu đến từ 62 Sở KH&CN trong cả nước...
 

Các đồng chí đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Ô Pích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Đinh Hữu Phí, Cục Trưởng Cục SHTT, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Phúc Thương dự Hội nghị.

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT ở cả Trung ương và địa phương đã đạt được một số kết quả tích cực; ngày càng gắn kết với hoạt động chung của Chính phủ, Bộ KH&CN, các bộ, ngành và địa phương. Sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.

Công tác xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được thực hiện đúng tiến độ đề ra; việc triển khai Chiến lược SHTT quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã giúp nâng cao vai trò, vị thế của KH&CN ở bộ, ngành và địa phương.

Dù bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nhưng lượng đơn sáng chế và kiểu dáng công nghiệp vẫn tăng khá cao (tương ứng là 9,1% và 11,9%) so với năm 2020; kết quả xử lý đơn sở hữu công nghiệp tăng 3,8%, trong đó kết quả xử lý đơn nhãn hiệu quốc gia tăng 6,3%. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại về sở hữu công nghiệp tăng 29% và các loại đơn/yêu cầu liên quan đến văn bằng bảo hộ tăng trên 15%.
 

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng dựa trên sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới như hiện nay.

Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế-xã hội nhằm xây dựng và phát triển được một số ngành kinh tế thâm dụng tài sản trí tuệ. Quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Để hoạt động này ngày càng có hiệu quả và phát huy vai trò thì việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và định hướng phát triển cho những năm tiếp theo là việc làm hết sức cần thiết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết để có được sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Từ đó đưa ra định hướng phát triển hoạt động SHTT cả ở Trung ương và địa phương năm 2022 và các năm tiếp theo.

Bộ trưởng cho biết, thông qua hội nghị này Bộ KH&CN sẽ có những luận cứ xác thực để giải trình những vấn đề sửa đổi trong Luật SHTT, qua đó sẽ hoàn thiện trình Quốc hội ban hành trong thời gian tới, cũng như có những định hướng đúng đắn trong công tác chỉ đạo thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022-2030.

“Những thành tựu đã đạt được, cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc thiết lập những cơ chế, chính sách có liên quan lĩnh vực SHTT sẽ tạo ra bước phát triển mới, có tính đột phá, nhằm thực hiện tốt Chiến lược SHTT quốc gia, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2022-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2022-2025 được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” - Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu.

Từ thực tiễn tại Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho hay, trong thời gian qua, hoạt động SHTT đóng vai trò rất tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, trong nông nghiệp, Bắc Giang đã xây dựng được 766 mô hình xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: Vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thu lợn sạch Tân Yên…

Bắc Giang cũng đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quy mô gần 50.000 ha, với các sản phẩm chủ lực như vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo... được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap...

Đến nay, Bắc Giang đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhiều sản phẩm của tỉnh được bảo hộ thành công tại nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

"Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã có 2.288 đơn đăng ký và được Cục SHTT cấp 1.180 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ – được xem là nhiều nhất cả nước", ông Lê Ô Pích thông tin.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích phát biểu.

Ông Lê Ô Pích cũng khẳng định, không thể có các sản phẩm công nghệ cao được làm ra tại Bắc Giang hoặc mang thương hiệu Bắc Giang nếu tỉnh không tôn trọng và thực thi nghiêm túc các hoạt động sở hữu trí tuệ. Việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ hay nói cách khác là tôn trọng chất xám, tôn trọng kết tinh lao động, tôn trọng sự sáng tạo của người lao động trong và ngoài Bắc Giang chính là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cho Bắc Giang.
 

Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí, và Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Phúc Thương chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, dưới sự chủ trì  của Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí, và Phó Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang Nguyễn Phúc Thương, các đại biểu nghe báo cáo tổng quan về hoạt động quản lý nhà nước về SHTT năm 2021, nhiệm vụ năm 2022; một số nội dung về sửa đổi, bổ sung Luật SHTT; kinh nghiệm quản lý tài sản trí tuệ phát sinh từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; tham luận về SHTT trong phát triển sản phẩm OCOP tại Việt Nam; xác lập, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp - ứng dụng trong thiết lập và quản lý các sản phẩm được bảo hộ SHTT; xem clip về tổng quan hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại Bắc Giang, khó khăn, thách thức và kinh nghiệm thực tiễn. 

Các đại biểu cũng trao đổi một số nội dung liên quan tới kinh nghiệm đăng ký chỉ dẫn địa lý vào thị trường Nhật Bản; việc bảo hộ sản phẩm đặc thù; hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương…

Kết luận hội nghị, ông Đinh Hữu Phí cảm ơn các tham luận, ý kiến trao đổi của đại biểu và cho rằng đây là những chia sẻ hữu ích, kinh nghiệm quý cho hoạt động quản lý nhà nước về SHTT. Cục sẽ tiếp thu các ý kiến kiến nghị của đại biểu về đẩy nhanh xử lý đơn sở hữu công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, sáng chế.

Về định hướng hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới, ông Đinh Hữu Phí cho biết, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua vào tháng 6/2022; tiếp tục hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả Chiến lược SHTT đến năm 2030.

Đồng thời triển khai có hiệu quả các Kế hoạch xử lý đơn sáng chế, nhãn hiệu và khiếu nại; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; xây dựng và đưa vào hoạt động Bộ phận kiểm soát chất lượng thẩm định đơn sở hữu công nghiệp. Bộ KH&CN sẽ chủ động tham gia đàm phán và bảo đảm thi hành có hiệu quả nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế; tăng cường hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc bảo hộ quyền SHTT ở nước ngoài...

Cho rằng tình trạng vi phạm về quyền SHTT hiện nay ngày càng gay gắt, ông Đinh Hữu Phí cũng đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp trong việc bảo vệ quyền SHTT, tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền SHTT...
 

Các đại biểu cũng trao đổi một số nội dung liên quan tới kinh nghiệm đăng ký chỉ dẫn địa lý vào thị trường Nhật Bản; việc bảo hộ sản phẩm đặc thù; hoạt động quản lý nhà nước về SHTT tại địa phương…
 

Đồng chí: Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham quan các gian hàng được trưng bày giới thiệu tại Hội nghị.
 

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý nhà nước về SHTT và quản lý SHTT.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Liên kết