Công bố thông tin nhiệm vụ đã được đánh giá, nghiệm thu và đăng ký kết quả

Đề tài “Đánh giá thực trạng mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản và xác định ảnh hưởng của đất, nước tưới đến mức độ an toàn nông sản trên địa bàn tỉnh HY” đã được đánh giá, nghiệm thu và đăng ký kết quả lưu trữ tại Trung tâm Thông tin và thống kê KH&CN ngày 19/4/2021và công nhận kết quả đăng ký ngày 5/5/2021. Sở Khoa học và Công nghệ Công bố thông tin kết quả đề tài như sau:

STT

Nội dung

Chỉ tiêu

1

Tên nhiệm vụ

“ĐGTT mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản và xác định ảnh hưởng của đất, nước tưới đến mức độ an toàn nông sản trên địa bàn tỉnh HY”

2

Tổ chức chủ trì nhiệm vụ

Viện thổ nhưỡng nông hóa

3

Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ và người tham gia chính

1. ThS. Trần Anh Tuấn – Chủ nhiệm

2. Thành viên tham gia chính:

- PGS. TS. Trần Minh Tiến

- ThS. Trần Thị Minh Thu

- ThS. Đỗ Trọng Thăng

- ThS. Vi Thị Huyền

- ThS. Nguyễn Bùi Mai Liên

- KS. Mai Thị Hà

- KS. Đặng Thị Thanh Hảo

 

4

Mục tiêu của nhiệm vụ

Mục tiêu chung

Đánh giá thực trạng mức độ an toàn nông sản (tồn dư nitrat NO3-, kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), các yếu tố ảnh hưởng chính từ đất và nước tưới đến mức độ an toàn nông sản  trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; và đề xuất các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước tưới và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể

- Đánh giá được thực trạng mức độ an toàn thực phẩm đối với một số nông sản chính của tỉnh Hưng Yên bao gồm; nhóm cây rau ăn lá (cải bắp, cải xanh, hành lá) rau ăn củ, quả (cà chua, dưa chuột, xu hào, đậu đũa); nhóm cây ăn quả (nhãn, vải, cam, chuối).

- Đánh giá được thực trạng mức độ mức tồn dư tồn dư nitrat (NO3-), kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản và trong đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Hưng Yên.

- Xác định các yếu tố chính từ đất và nguồn nước tưới ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm một số sản phẩm trồng trọt chính của tỉnh Hưng Yên, từ đó đề xuất hướng giải pháp nhằm bảo vệ môi trường đất, nước tưới và nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.

 

5

Kết quả thực hiện (tóm tắt)

* Về thực trạng mức độ an toàn thực phẩm đối với một số nông sản chính tại tỉnh Hưng Yên:

Nhìn chung, phần lớn người nông dân trong vùng điều tra tuân thủ việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm cục bộ ô nhiễm nông sản, một số điểm lấy mẫu có hàm lượng kim loại nặng và nitrat vượt giới hạn cho phép, trong đó:

- Hàm lượng các kim loại nặng trong nông sản

+ Có 1 mẫu quả nhãn ô nhiễm Pb (gấp 3,2 lần cho phép); hàm lượng Pb trong nhóm các loại rau ăn lá có xu thế cao hơn so với các loại rau ăn củ, quả và cây ăn quả. Có 3 mẫu cận ô nhiễm với Pb; 2 mẫu cận ô nhiễm với Cd (rau cải và hành lá).

- Hàm lượng NO3- và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản

+ Hàm lượng NO3- trong nhóm các loại cây ăn quả có xu thế cao hơn so với các loại rau ăn lá và rau ăn củ, quả. Có 5 mẫu ô nhiễm NO3- (4 mẫu quả nhãn, 1 mẫu quả chuối) vượt giới hạn từ 1,25 đến 2,31 lần cho phép.

+ Trên 2 mẫu nông sản (rau cải và hành lá) cho thấy có sự tồn dư hoạt chất cypermethrin vượt giới hạn cho phép. Các hoạt chất permethrin, chlorpyrifos, propiconazole, hexaconazole, metalaxyl, fenitrothion, lambda-cyhalothrin, methidathion có hàm lượng rất thấp hoặc không phát hiện và đều nằm trong giới hạn cho phép theo TT 50/2016 BYT của Bộ Y tế. Ngoài ra, không phát hiện ra các hoạt chất đã được cấm trong các mẫu nông sản.

* Về thực trạng mức độ ô nhiễm kim loại nặng, nitrat và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, trong đất sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Hưng Yên:

- Hàm lượng các kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật trong đất:

+ Xác định 7 điểm ô nhiễm kim loại nặng với chỉ số vượt quá giới hạn cho phép từ 1,1 đến 1,73 lần. Các mẫu này chủ yếu là đất thâm canh cao tập trung ở thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu và một phần ở huyện Tiên Lữ, Kim Động. Có 5 mẫu cận ô nhiễm As, 4 mẫu cận ô nhiễm Cu, 4 mẫu cận ô nhiễm Zn, 6 mẫu cận ô nhiễm Pb, 2 mẫu cận ô nhiễm với Hg.

+ Tất cả các mẫu đất phân tích đều có dư lượng hóa chất các thuốc bảo vệ thực vật nằm trong giới hạn cho phép.

* Về mức độ mức ô nhiễm kim loại nặng trong nước tưới:

Kết quả phân tích, đánh giá 230 mẫu nước cho thấy: Các mẫu nước có hàm lượng Cu và Zn đều nằm trong ngưỡng cho phép theo QCVN 08:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên có 19 mẫu được xác định là ô nhiễm một số chỉ tiêu như: As, Cd, Pb, Hg.

* Xác định các yếu tố chính từ đất và nước tưới ảnh hưởng đến mức độ ô nhiễm một số sản phẩm trồng trọt chính của tỉnh Hưng Yên:

- Trong phạm vi nghiên cứu này có thể thấy chỉ duy nhất sự gia tăng hàm lượng Zn và Pb trong đất có tác động tới tích lũy tới hàm lượng kẽm trong nông sản. Chưa thấy sự ảnh hưởng nhiều bởi hàm lượng các kim loại nặng khác trong đất đến mức độ tích lũy một số kim loại nặng trong các mẫu nông sản

- Không thấy sự ảnh hưởng từ hàm lượng các kim loại nặng trong các mẫu nước tưới với hàm lượng As, Cu, Cd và Hg trong các mẫu nông sản. Tuy nhiên, hàm lượng Cd và Pb trong nước có ảnh hưởng tới sự tích lũy Zn trong mẫu nông sản và có sự tương quan mạnh giữa hàm lượng As, Cd, Pb, Hg trong mẫu nước đối với hàm lượng Pb trong mẫu nông sản.

* Đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước tưới, nâng cao mức độ an toàn thực phẩm cho nông sản ở tỉnh Hưng Yên, bao gồm:

- Nhóm giải pháp xử lý ô nhiễm

- Nhóm giải pháp giám sát các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm

- Nhóm giải pháp quản lý sử dụng đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

- Nhóm giải pháp thủy lợi

- Nhóm giải pháp đối với các khu công nghiệp

- Nhóm giải pháp đối với các làng nghề

- Nhóm giải pháp quản lý rác thải sinh hoạt

* Xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ

- Xây dựng bản đồ hiện trạng kim loại nặng trong đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Hưng Yên tỷ lệ 1/25.000.

- Xây dựng bản đồ mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất sản xuất nông nghiệp tỉnh Hưng Yên tỷ lệ 1/25.000.

- Xây dựng bản đồ hiện trạng kim loại nặng trong nguồn nước tưới cho nông nghiệp tỷ lệ 1/25.000.

 

6

Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc

T3/2018-T3/2021

7

Kinh phí thực hiện

1.089.020.000 đồng

8

Ngày nghiệm thu

17/4/2021

9

Ngày đăng ký kết quả

19/4/2021

10

Ngày công nhận kết quả

5/5/2021

 

 

 

 

Liên kết