NGHIỆM THU ĐỀ TÀI: “Nghiên cứu xử lý phế phụ phẩm trong chế biến nghệ làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”

Ngày 21/8/2024 tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên, Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước:“Nghiên cứu xử lý phế phụ phẩm trong chế biến nghệ làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên” do Trung tâm Sinh học thực nghiệm – Viện Ứng dụng công nghệ chủ trì và thực hiện năm 2022-2024.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Dự và chủ trì hội nghị có Bà Nguyễn Thái Kiều Ngân - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn nghiệm thu kết quả nhiệm vụ; PGS.TS. Nguyễn Phương Nhuệ - Trưởng phòng Công nghệ lên men - Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam,Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; Các ủy viên phản biện: PGS.TS. Nguyễn Văn Giang - Trưởng Bộ môn Công nghệ vi sinh, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ủy viên phản biện 1; PGS.TS. Nguyễn Quang Huy – Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy viên phản biện 2và đầy đủ các thành viên Hội đồng nghiệm thu. Dự hội nghị còn cóThS. Trần Đăng Anh –Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân tỉnh, các sở, ngành liên quan và các đơn vị phối hợp, HTX nghệ Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên)

TS. Vũ Xuân Tạo-Chủ nhiệm nhiệm vụ đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện đề tài

 Báo cáo tại Hội nghị nghiệm thu, TS. Vũ Xuân Tạo-Chủ nhiệm nhiệm vụ và nhóm nghiên cứu cho biết đã tập trung thực hiện các nội dung:Thu thập mẫu và xác định thành phần chính của phế phụ phẩm từ sản xuất nghệ tại Hưng Yên, đã lựa chọn bã nghệ là nguyên liệu để thực hiện nghiên cứu. Đã tiến hành nghiên cứu tuyển chọnđược 4 chủng vi nấm T. asperellum HYT11, HYT12, HYT13, T. harzianum HYT14, 2 chủng vi khuẩn B. amyloliquefaciens BH2 và HB5 và 2 chủng xạ khuẩn S. albulus XKH3 và S. costaricanus XKH5 có khả năng sinh enzyme ngoại bào cao (cellulase, amylase và protease). Đây là các chủng vi sinh vật an toàn và có thể sử dụng trong phát triển chế phẩm sinh học dùng cho xử lý phụ phẩm của quá trình chế biến nghệ. Trên cơ sở đó đã tập trung nghiên cứu tối ưu điều kiện sản xuất sinh khối vi sinh vật dùng cho tạo chế phẩm xử lý phế phụ phẩm từ quá trình chế biến nghệ. Đã xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh dạng lỏng và dạng bột dùng cho xử lý phế phụ phẩm từ quá trình chế biến nghệ. Chế phẩm vi sinh dạng lỏng có mật độ nấm Trichoderma đạt 2,5x108 CFU/ml. Chế phẩm vi sinh dạng bột có mật độ nấm Trichoderma đạt 4,95x109 CFU/g. Nhóm nghiên cứu cũng tập trung nghiên cứu và xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm của quá trình chế biến nghệ. Quy trình bao gồm các bước: Tiền xử lý nguyên liệu - Phối trộn nguyên liệu với chế phẩm vi sinh - Đảo trộn đống ủ và phối trộn với chế phẩm vi sinh - Kiểm tra chất lượng phân bón - Sử dụng hoặc đóng gói và bảo quản. Chất lượng phân bón tạo ra đạt theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân hữu cơ vi sinh.

TS. Vũ Xuân Tạo-Chủ nhiệm nhiệm vụ đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả thực hiện đề tài

Từ các kết quả nghiên cứu trên, đã thực hiện ứng dụng phân bón vi sinh để xây dựng  mô hình xử lý phế phụ phẩm của quá trình chế biến nghệ làm phân hữu cơ vi sinh, quy mô 20 tấn nguyên liệu, chia làm 2 đống ủ (mỗi đống ủ bao gồm 10 tấn nguyên liệu) tại Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên và Hợp tác xã nghệ Chí Tân. Chất lượng phân bón tạo ra đạt yêu cầu theo QCVN 01189:2019/BNNPTNT về chất lượng phân hữu cơ vi sinh. Sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh tạo ra để bón lót và bón gốc giúp tăng năng suất cho cây rau cải canh. Đã sử dụng nguồn phân này bón cho rau, nghệ và ngô cho hiệu quả rõ rệt.

   

   

Các thành viên Hội đồng và đại biểu phát biểu ý kiến tham gia tại hội nghị

Hội nghị đã nghe các thành viên Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu và các đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu ý kiến đánh giá kết quả thực hiện đề tài khoa học đều khẳng định rằng nhóm nghiên cứu đã thực hiện hoàn thành các nội dung, mục tiêu đề ra. Số liệu báo cáo đáng tin cậy, các mô hình và giải pháp nhóm nghiên cứu đề ra có tính khả thi để thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất phân bón vi sinh từ lên men. Đặc biệt đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật sản xuất vi sinh, xử lý phế phụ phẩm từ bã nghệ thành phân bón hữu cơ vi sinh và quy trình này đã được thực nghiệm hiệu quả từ mô hình ứng dụng phân bón vào sản xuất phù hợp với Hưng Yên.

Bà. Nguyễn Thái Kiều Ngân - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận, Bà. Nguyễn Thái Kiều Ngân - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu đề tài trong việc phản biện nội dung, phương pháp cũng như kết quả thực hiện của đề tài khoa học cấp tỉnh. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Thái Kiều Ngân đánh giá cao tinh thần nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Ban chủ nhiệm, Trung tâm Sinh học thực nghiệm – Viện Ứng dụng công nghệ đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh và hợp đồng giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Trung tâm Sinh học thực nghiệm.

Bà. Nguyễn Thái Kiều Ngân - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu kết luận

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thucũng đề nghị Ban chủ nhiệm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng kết, hoàn thiện quy trình kỹ thuật và xây dựng phương án, kế hoạch ứng dụng và theo dõi các mô hình ở các năm tiếp theo làm cơ sở khoa học để khuyến cáo người dân ứng dụng vào sản xuất.

Kết quả đánh giá nghiệm thu với 9/9 thành viên có mặt đánh giá Đạt.

Nhiệm vụ xếp loại ĐẠT./.

 

Tiến Giáp -Trường Long.

 

Liên kết