Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam có sự phát triển đồng đều, bền vững và phù hợp với xu hướng quốc tế trong các lĩnh vực như vốn, tài chính...
Một thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp mới
Hệ sinh thái khởi nghiệp (entrepreneurial ecosystem) là thuật ngữ chỉ cộng đồng bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng nhanh.
Một hệ sinh thái khởi nghiệp gồm: Các startup; các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư…cung cấp vốn cho startup; Nhà nước ban hành cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp; các cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ startup (Incubator, Accelerators, Coworking Space); các sự kiện và truyền thông về startup.
Tại Việt Nam, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tuy mới hình thành nhưng ngày càng sôi động. Việt Nam được đánh giá là nơi rất có tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
|
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ. |
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo ra thế hệ doanh nghiệp mới dựa trên tài sản trí tuệ và có khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu. Cùng với sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân, Nhà nước cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo. Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ngày càng năng động và hiệu quả, với sự tham gia tích cực của các thành phần trong hệ sinh thái.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam có sự phát triển đồng đều, bền vững và phù hợp với xu hướng quốc tế trong các lĩnh vực như vốn, tài chính, kết nối, phát triển thị trường, chính sách, văn hóa và tư duy.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó có 11 startup được định giá trên 100 triệu USD và 3 startup được định giá trên 1 tỷ USD. Cả nước có 208 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động, trong đó có gần 40 quỹ nội địa.
Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Chất lượng dịch vụ hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp còn thấp, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu còn thiếu tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp sáng tạo và dự án dựa trên khoa học kỹ thuật. Nguồn lực nghiên cứu cũng còn hạn chế, trong khi các trường đại học gặp khó khăn trong việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.
Để khắc phục những khó khăn này, ông Quất nhấn mạnh, cần chú trọng đến việc thống nhất và đồng bộ hóa các chính sách hiện có, bổ sung các quy định phù hợp trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, làm rõ khái niệm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, cần quy định cụ thể về điều kiện và tiêu chí cho các tổ chức và cá nhân tham gia hỗ trợ khởi nghiệp, cũng như tăng cường tuyên truyền, phổ biến và tôn vinh các cá nhân, tổ chức có thành tích trong lĩnh vực này.
|
Thu hút tối đa nguồn lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. |
Đa dang hóa, thu hút tối đa nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo
Phân tích về khởi nghiệp sáng tạo, ông Lương Văn Thường – Trưởng phòng Khởi nghiệp của Cục Phát triển thị trường và Khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) cho biết: Bản chất trong đề xuất chính sách của Bộ KH&CN là cố gắng thu hút càng nhiều chủ thể tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (HSTKNST) càng nhiều càng tốt. Đó là các tập đoàn, các trường đại học, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự cộng hưởng mạnh cho HSTKNST phát triển.
Trong đó tập trung vào một số vấn đề sau: Thứ nhất, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong môi trường đào tạo. Phải làm sao để các sinh viên vừa ra trường “dám dấn thân, dám thất bại”. Bởi thực tế, có tới 95% là khởi nghiệp thất bại, bài học thành công và thất bại được đưa ra để chúng ta cùng nhìn nhận, phân tích, rút kinh nghiệm.
|
Ông Lương Văn Thường – Trưởng phòng Khởi nghiệp của Cục Phát triển thị trường và Khoa học công nghệ. |
Thứ hai, mở rộng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở. Hiện nay, các nước phát triển như Singapore đã phát triển rất tốt mô hình này. Đó là đặt ra các bài toán, thách thức của xã hội, tập đoàn, Chính phủ và kêu gọi ý tưởng giải quyết thách thức đó.
Thứ ba, kết nối. Tất cả cùng hướng tới mong muốn thúc đẩy sự tham gia của nhiều thành phần vào HSTKNST. Từ đó tạo ra nhiều nguồn lực để các doanh nghiệp KNST có bước đột phá.
“Chúng tôi mong muốn xã hội hóa, nhân rộng nguồn lực nuôi dưỡng HSTKNST. Bản chất của đổi mới sáng tạo là “giải mã” những khó khăn. Đồng nghĩa với giải quyết được các nguồn lực: Tiền bạc, con người và cơ chế hành chính.