“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhìn từ “hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí

“Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” nhìn từ “hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí

Phát biểu tại nhiều sự kiện lớn trong nước và quốc tế thời gian gần đây, đặc biệt là trong bài viết rất quan trọng với nhan đề “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời hiệu triệu, một hiệu lệnh “tuyên chiến” của Đảng với những chủ thể đã và đang gây ra lãng phí cho đất nước, cho dân tộc. Vì vậy, trong chuyên đề này, Báo Nhân Dân sẽ cùng bạn đọc phân tích, luận giải về một số thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đối với “hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí; góp phần tích cực tuyên truyền, cụ thể hóa quyết tâm trong đường lối, chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trước cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. 

 

Bài 1: “Hiệu lệnh” phòng, chống lãng phí - Khi ý Đảng đã hợp với lòng dân

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.

Trong bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV mới đây, cử tri và Nhân dân cả nước bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước đánh giá khách quan nguyên nhân chính, chủ yếu của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để có giải pháp căn cơ phòng, chống hiệu quả hơn.

Khi ý Đảng đã hợp với lòng dân như vậy, hơn bao giờ hết, đất nước ta càng hội đủ thêm các điều kiện quan trọng về thế và lực để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.


“Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn”

Là một nhà nghiên cứu lý luận chính trị có nhiều kinh nghiệm, Tiến sĩ Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khi trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân đã nhấn mạnh rằng, bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã gây được tiếng vang, hiệu ứng rất lớn trong dư luận. Giới nhân sĩ, trí thức, học thuật đánh giá rất cao, Nhân dân rất vui mừng, phấn khởi.

Tiến sĩ Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Vũ Cảnh.

Tiến sĩ Nhị Lê – nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Ảnh: Vũ Cảnh.

“Theo tôi, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm như một lời hiệu triệu, một hiệu lệnh “tuyên chiến” với những chủ thể đã và đang gây ra lãng phí cho đất nước, cho dân tộc. Hiệu lệnh này sẽ khiến cho công tác phòng, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước ta bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn rất khẩn trương, cấp bách, quyết liệt. Thành quả của “cuộc chiến chống giặc nội xâm” ấy sẽ từng bước góp phần quan trọng vào sứ mệnh đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” – TS Nhị Lê nhìn nhận.


“Theo Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, hầu hết các địa phương trong cả nước không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dẫn đến tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch còn phổ biến, quy hoạch treo, dự án treo còn lớn, gây lãng phí lớn. Cụ thể, chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn Giám sát có báo cáo thông tin, trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, số công trình, dự án phải tuyên bố hủy bỏ do sau 3 năm không triển khai thực hiện đã lên tới 1.739 công trình, dự án, với tổng diện tích đất 12.013 ha.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2021 vẫn còn 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa đã xử lý thu hồi là 49.541,6 ha. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ, cả giai đoạn chỉ có 286 tỷ đồng”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm căn dặn về vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, mà Bác còn luôn là tấm gương đạo đức sáng ngời trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo TS Nguyễn Viết Chức, cả cuộc đời Bác sống giản dị, từ bữa cơm Bác ăn, nơi chốn Bác ở, quần áo Bác mặc đến đôi dép cao su Bác đi… Bác thực hành tiết kiệm chống lãng phí mọi lúc, mọi nơi, từ việc lớn đến việc nhỏ.

TS Nguyễn Viết Chức dẫn chứng, ngay sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, thử thách, hiểm nguy, nhất là nạn đói đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu đồng bào. Trước hoàn cảnh sinh tử ấy, Bác và Chính phủ vừa kêu gọi Nhân dân đẩy mạnh việc tăng gia sản xuất, vừa cổ vũ các tổ chức đoàn thể phát động phong trào cứu đói cho đồng bào.

Để hưởng ứng các phong trào trên, Bác tiên phong gương mẫu thực hiện việc 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa để dùng số gạo đó tặng cho người nghèo. Nhờ vậy, phong trào lập “hũ gạo cứu đói” đã được các tổ chức đoàn thể phát triển rộng ở khắp các địa phương, được Nhân dân đồng lòng ủng hộ, góp phần quan trọng cùng phong trào đẩy mạnh tăng gia sản xuất và các chính sách hỗ trợ khác về thể chế để từng bước đẩy lùi nạn đói năm 1945.

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh toàn tập, trang 345, tập 7 (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2011), có ghi lại lời Bác căn dặn: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”.

Phân tích về vấn đề nêu trên với phóng viên Báo Nhân Dân, Tiến sĩ Nhị Lê – Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, lãng phí nguy hiểm hơn tham ô, tham nhũng bởi lãng phí rất dễ xảy ra và rất khó định lượng. Trong các vụ án đưa ra điều tra, truy tố, xét xử liên quan đến tội danh tham ô, tham nhũng, chúng ta định lượng được cụ thể tội phạm đã chiếm đoạt, làm thiệt hại, thất thoát bao nhiêu tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với lãng phí thì điều này rất khó khăn.

Theo TS Nhị Lê, nhìn nhận dưới góc độ của phát triển xã hội bền vững và góc độ kinh tế - xã hội, lãng phí là một loại hành vi nguy hiểm cho xã hội. Suy đến cùng, lãng phí không chỉ là sự hủy hoại tài sản, thời gian, nhân lực của xã hội từ các hoạt động công quyền (xây dựng, điều hành, thực thi chính sách) đến tài nguyên, cơ hội..., mà nó còn gặm nhấm, làm mất lòng tin của Nhân dân, hủy hoại uy tín của thể chế. 

“Nhìn vào các vụ đại án đã xử, vụ nào cũng thấy phần thất thoát, lãng phí này nhưng rất khó lượng hóa và phán xử vì các điều luật chưa khép kín và hoàn thiện. Đây cũng là một nguyên cớ, là môi trường cho tệ tham nhũng nảy nòi và phát triển” – TS Nhị Lê phân tích. 

Nguồn: https://special.nhandan.vn/Bai-1-Hieu-lenh-phong-chong-lang-phi-khi-y-Dang-da-hop-voi-long-dan/index.html

Liên kết