Sáng 12/12/2024, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo “Cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”. Hội thảo là một trong những hoạt động trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ và nâng cao năng lực thực thi Công ước phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc tại Việt Nam” do UNDP tại Việt Nam và Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế hỗ trợ.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Ryan McKean, Giám đốc Cơ quan Phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế tại Hà Nội và ông Patrick Haverman, Phó đại điện Thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.
|
Quang cảnh Hội thảo |
Tham dự có hơn 60 đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực pháp luật, tư pháp; đại diện Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các cơ quan Trung ương khác; các học viện, trường Đại học; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Nội chính Trung ương, lãnh đạo Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình và Hòa Bình.
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, thời gian qua, các quy định của Đảng và Nhà nước về kiểm soát xung đột lợi ích đã từng bước được hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc, qua đó đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các quy định liên quan đến kiểm soát xung đột lợi ích và có những công cụ cần thiết để kiểm soát xung đột lợi ích như: Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập hiện nay được thiết kế tương đối công phu, bài bản có thể được sử dụng làm căn cứ, cơ sở cho việc kiểm soát xung đột lợi ích; các quy định riêng về kiểm soát quà tặng của cán bộ, công chức; pháp luật đã đưa ra quy định mang tính nguyên tắc về hạn chế việc nhận quà tặng của cán bộ, công chức; các quy định về hạn chế lợi ích kinh doanh cá nhân và công việc làm thêm của cán bộ, công chức người thân trong gia đình cán bộ, công chức ở một số vị trí nhất định.
|
Chủ trì Hội thảo |
Tuy nhiên, các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích chưa được đầy đủ và chặt chẽ, còn nằm tản mát ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, chưa tạo được cơ chế đồng bộ về kiểm soát xung đột lợi ích; quy định về phát hiện và xử lý xung đột lợi ích còn có điểm chưa hợp lý; chế tài đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát xung đột lợi ích chưa rõ ràng, cơ chế giám sát việc thực hiện và xử lý vi phạm chưa nghiêm... Do đó, việc nghiên cứu, so sánh để đưa ra các khuyến nghị về chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khu vực công tại Việt Nam theo các tiêu chuẩn và thông lệ tốt quốc tế là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Các tham luận, ý kiến phát biểu thảo luận, trảo đổi của đại biểu tham dự Hội thảo tập trung đi sâu phân tích chính sách của Đảng và Nhà nước về kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng, chống tham nhũng trong khu vực công; kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và mức độ tương thích của Pháp luật Việt Nam; về tính tương thích của pháp luật Việt Nam so với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng; đánh giá kết quả các chính sách, quy định của pháp luật Việt Nam về xung đột lợi ích; đồng thời, đề xuất, khuyến nghị để hoàn thiện chính sách, pháp luật về kiểm soát xung đột lợi ích; nâng cao hiệu quả cơ chế thực thi chính sách, pháp luật và nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về xung đột lợi ích và kiểm soát xung đột lợi ích…
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao chất lượng báo cáo, tham luận, ý kiến phát biểu, thảo luận tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia có uy tín trong nước và quốc tế tại Hội thảo. Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để làm cơ sở cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích để phòng, chống tham nhũng trong khu vực công tại Việt Nam thời gian tới.
Đặng Phước
Nguồn: https://noichinh.vn/tin-hoat-dong/202412/hoi-thao-co-che-kiem-soat-xung-dot-loi-ich-de-phong-chong-tham-nhung-trong-khu-vuc-cong-314434/