Trong nhiều năm qua, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh - Bộ Công Thương đã kết nối với Trường Đại học Công nghệ Trùng Khánh tuyển chọn ứng viên tham gia Khóa đào tạo ngắn hạn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Năm 2024, khóa học được diễn ra từ ngày 16/11/2024 đến ngày 15/12/2024 với sự tham gia của 23 học viên đến từ Việt Nam và Lào.
Năm 2024, theo thông báo của Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trùng Khánh, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã lựa chọn có 12 ứng viên đáp ứng điều kiện và được Trường đại học Công nghệ Trùng Khánh tiếp nhận tham dự khóa đào tạo. Trong đó có 7 cán bộ của Cục SHTT, 1 cán bộ thuộc Sở KHCN tỉnh Sơn La, 4 đại diện đến từ khối các trường đại học và doanh nghiệp. Đây là lần thứ hai Cục SHTT cử các cán bộ từ Việt Nam tham dự khóa đào tạo.
Một số hình ảnh của Khóa đào tạo
Chương trình đào tạo được thiết kế một cách khoa học và toàn diện với các vấn đề liên quan đến SHTT của Trung Quốc, bao gồm: đường lối, chính sách của Trung Quốc về SHTT qua các giai đoạn hình thành, phát triển và cải cách thể chế; hệ thống pháp luật về bảo hộ SHTT (đối tượng bảo hộ, điều kiện bảo hộ, nội dung quyền, xác định hành vi xâm phạm và mức độ bồi thường thiệt hại phát sinh từ các hành vi xâm phạm); thực tiễn quản lý và bảo vệ quyền SHTT tại Trung Quốc.
Đội ngũ giảng viên của Khóa đào tạo là các chuyên gia có kinh nghiệm về SHTT đến từ cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu, đào tạo (Trường đại học Công nghệ Trùng Khánh, Đại học Thượng Hải…) và các doanh nghiệp, văn phòng luật sư. Với bề dày kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn, các chuyên gia đã cung cấp bức tranh tổng thể về hệ thống SHTT Trung Quốc, đồng thời minh chứng vai trò quan trọng của SHTT trong phát triển kinh tế xã hội. Trước năm 2018, Trung Quốc áp dụng cơ chế quản lý hành chính SHTT phi tập trung. Ở cấp trung ương, quản lý SHTT có sự tham gia của hơn 10 cơ quan như Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng cục Quản lý hành chính Công Thương, Cục Bản quyền, Bộ Nông nghiệp và Cục Lâm nghiệp…, do đó xảy ra tình trạng quản lý chồng chéo, không thống nhất. Hiện nay Cơ quan SHTT quốc gia Trung Quốc (CNIPA) trực thuộc Quốc vụ viện và thực hiện quản lý tập trung, thống nhất về SHTT đối với các tài sản trí tuệ trong công nghiệp lớn như sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế và bố trí mạch tích hợp.
Một số hình ảnh của Khóa đào tạo
Chính phủ Trung Quốc đã hoạch định, triển khai thực hiện và điều chỉnh các chiến lược SHTT phù hợp với tình hình quốc gia và yêu cầu hội nhập từng giai đoạn. Đề cương Chiến lược SHTT quốc gia (2008-2018) thực hiện trong 10 năm đã được đánh giá một cách toàn diện và có hệ thống. Đến năm 2021, Đề cương xây dựng quốc gia SHTT vững mạnh (2021-2035) được ban hành và triển khai. Tăng cường bảo vệ quyền SHTT là nội dung quan trọng nhất của việc cải thiện hệ thống bảo vệ quyền sở hữu và là động lực lớn nhất để nâng cao sức cạnh tranh kinh tế của Trung Quốc.
Trung Quốc có hệ thống tòa án chuyên xét xử các vụ việc về SHTT, là xương sống của hệ thống tư pháp bảo vệ quyền SHTT. Theo thông tin từ bài giảng của TS. Lou Bixian - Trường đại học Công nghệ Trùng Khánh, cao nhất là TAND tối cao, dưới là 4 tòa án SHTT được thành lập tại Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, Hải Nam và hệ thống tòa án SHTT trung gian tại 21 thành phố khác cũng được thiết lập góp phần tối ưu hóa việc phân định thẩm quyền giải quyết các vụ án SHTT. Ngoài ra, hơn 550 tòa án cơ sở có thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự về SHTT. Tính đến nửa đầu năm 2024, hệ thống tòa án đã giải quyết khoảng 320.000 vụ việc về SHTT.
Một số hình ảnh của Khóa đào tạo
Hệ thống SHTT đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc. Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2024 của WIPO công bố Trung Quốc là nền kinh tế thu nhập trung bình duy nhất trong top 30 GII, đạt vị trí thứ 11. Để đạt được kết quả này, phải kể đến các nỗ lực trong tạo dựng văn hóa SHTT trong toàn xã hội và xây dựng đội ngũ nhân tài SHTT, đây là một trong những giải pháp được đặt ra trong Chiến lược quốc gia về SHTT từ năm 2008. Theo thông tin từ TS. Lou Bixian và PGS. Huang Guanghui - Trường đại học Công nghệ Trùng Khánh, hiện tại, hơn 110 trường đại học trên khắp Trung Quốc đã triển khai các chương trình đại học về SHTT. Hơn 50 trường đại học ở Trung Quốc đã thành lập các trường cao đẳng SHTT; triển khai các loại hình đào tạo sau đại học khác nhau, bao gồm đào tạo thạc sĩ SHTT. Từ năm 2006 đến năm 2019, tỷ lệ tuyển sinh giáo dục đại học ở Trung Quốc tăng từ 20,22% năm 2006 lên 53,77% năm 2019 và vượt qua mức trung bình toàn cầu năm 2013. Báo cáo GII cho thấy xếp hạng của Trung Quốc về vốn con người đã tăng từ thứ 56 năm 2011 lên thứ 21 năm 2020, chứng minh tầm quan trọng của việc bồi dưỡng nhân tài trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của Trung Quốc. Đến cuối năm 2023, nguồn nhân lực trong lĩnh vực SHTT tăng lên 860.000 người. Trong số đó, số lượng cán bộ quản lý hành chính và thực thi pháp luật đạt hơn 30.000 người, trong trung tâm bảo vệ quyền SHTT có hơn 2.200 người. Số lượng đại diện sáng chế hành nghề trên toàn quốc lên tới 34.000 và số người đủ tiêu chuẩn làm đại diện sáng chế vượt quá 76.000. Số lượng nhân lực về SHTT trong các doanh nghiệp, trường đại học và cơ sở nghiên cứu cũng tăng lên nhanh chóng. Đội ngũ nhân lực này tham gia vào dịch vụ thông tin SHTT có hơn 4.000 người. Các quan niệm văn hóa về tôn trọng tri thức, ủng hộ sự đổi mới, tuân thủ luật pháp một cách liêm chính và cạnh tranh công bằng ngày càng đi sâu vào ý thức của người dân
Chương trình đào tạo là cơ hội để các học viên Việt Nam học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm quý báu của Trung Quốc trong lĩnh vực SHTT. Bên cạnh đó, các giảng viên đánh giá cao về tinh thần học hỏi, sẵn sàng giao lưu chia sẻ thông tin của các thành viên tham dự khóa học. Cục SHTT sẽ nỗ lực kết nối với các đối tác để học viên của Việt Nam được tham gia các khóa đào tạo tương tự trong tương lai nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về bảo vệ an ninh quốc gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày càng quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế.
Nguồn:https://www.ipvietnam.gov.vn