Giải pháp hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN lĩnh vực PCCC, công nghiệp vật liệu, đô thị thông minh

Hiện, với tổng số 2369 TCVN và 54 QCVN liên quan tới PCCC, công nghiệp vật liệu và đô thị thông minh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo an toàn trong khai thác, sử dụng và tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; quán triệt thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng, đổi mới và nâng cao chất lượng mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, hội nhập hiệu quả với thế giới và tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng của yêu cầu và xu hướng của xã hội, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ. Thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều định hướng, chính sách lớn, trong đó gắn chặt với việc phát triển, hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN trọng yếu, làm cơ sở khoa học cho việc phát triển KTXH 10 năm tới 2020-2030 và tầm nhìn 2045.

Có thể kể đến như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

                                

                                Thực trạng hệ thống TCVN, QCVN lĩnh vực PCCC, công nghiệp vật liệu, đô thị thông minh

Hiện nay, với tổng số 2369 TCVN và 54 QCVN liên quan tới PCCC, công nghiệp vật liệu và đô thị thông minh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo an toàn trong khai thác, sử dụng và tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, vượt qua những thách thức rào cản kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực cạnh tranh rất phức tạp.

Các TCVN, QCVN nêu trên cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý trong việc xây dựng, triển khai hiệu quả các chính sách công và các chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, hiệu suất năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng xạch, năng lượng thay thế nhiên liệu truyền thống (khí thiên nhiên CNG/LNG, pin mặt trời, điện quang, điện gió…), thúc đẩy sử dụng, nhiên liệu tái chế giảm ô nhiễm môi trường sinh thái (tro xỉ, tro bay, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân  bón, hóa chất làm nguyên liệu VLXD, GTVT), phục vụ công tác đo kiểm, đánh giá, xử lý ô nhiễm (đo kiểm phát thải ô nhiễm môi trường sau hỏa hoạn Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, khu công nghiệp sản xuất thép…), phát triển mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững, cũng như nâng tính an toàn công trình và bảo vệ tính mạng con người trong PCCC. Đây là những vấn đề được nhà nước, xã hội, người tiêu dùng rất quan tâm.

Bên cạnh những đóng góp, công tác tiêu chuẩn hóa, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực nêu trên vẫn còn bộc lộ những hạn chế, cụ thể như sau: Công tác xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng TCVN đã có nhiều tiến bộ thời gian gần đây. Nhưng vẫn chưa khai thác hiệu quả và xứng tầm với tiềm lực phát triển KTXH. Đội ngũ chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn chủ yếu các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp phía bắc. Chưa khai thác, huy động được một đội ngũ chuyên gia của các viện nghiên cứu, doanh nghiệp khu vực miền nam nơi thị trường sản phẩm công nghiệp vật liệu rất phát triển;

Công tác nguyên cứu khoa học trong nước, phát triển các kết quả nghiên cứu KHCN vào hoạt động xây dựng TCVN vẫn còn rất hạn chế, một phần do nguồn lực, trình độ KHCN chưa theo kịp xu hướng phát triển thị trường. Điều này cũng thể hiện qua số lượng chuyên gia Việt Nam tham gia trực tiếp vào các ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC, ITU…) rất khiêm tốn;

Hệ thống ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia hiện nay chưa có một hệ  thống ban kỹ thuật đối ứng (Mirror Committee) đúng nghĩa theo thông lệ quốc tế, do vậy đã làm hạn chế đáng kể hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, chưa khai thác và phát huy được tiềm lực khoa học công nghệ và đội ngũ chuyên giao của các ban kỹ thuât tiêu chuẩn quốc gia, khu vực doanh nghiệp, tư nhân;

Quy trình, thủ tục xây dựng dự thảo tiêu chuẩn vẫn rất truyền thống. Chưa bắt kịp xu thế xây dựng tiêu chuẩn quốc tế trong thời đại 4.0 hiện nay. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm xây dựng tiêu chuẩn (góp ý online, bỏ phiếu online) chưa thực hiện được, trong khi tại các nước tiên tiến thì phương thức này đã trở nên phổ biến. Việc thu hút khối tư nhân, doanh nghiệp vào các ban kỹ thuật chưa hấp dẫn;

Chính sách tài chính, định mức chi cho xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khá thấp so với mặt bằng chung. Do vậy, chưa thu hút được đội ngũ các chuyên gia hàng đầu, đặc biệt là chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ mới.

Nhiệm vụ, giải pháp tổng thể hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN lĩnh vực PCCC, công nghiệp vật liệu, đô thị thông minh giai đoạn 2021-2030

Trước thực tế nêu trên, với vai trò là cơ quan chủ trì, đầu mối quản lý hệ thống TCVN, QCVN, Bộ Khoa học và Công nghệ cần xác định, chủ động xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp tổng thể để đảm bảo hiệu quả phát triển, hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN trong các lĩnh vực  PCCC, công nghiệp vật liệu, đô thị thông minh.

Trước tiên, về quan điểm phát triển, cần rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống TCVN, QCVN hiện hành trong các lĩnh vực PCCC, công nghiệp vật liệu, đô thị thông minh theo hướng loại bỏ những tiêu chuẩn đã cũ, không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

Ưu tiên xây dựng mới theo hướng hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, nước ngoài tiên tiến nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, khuyến khích đầu tư nước ngoài, hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời nâng cao NSCL sản phẩm, dịch vụ trong nước đạt chuẩn khu vực, quốc tế.

Định hướng phát triển công nghiệp vật liệu, đô thị thông minh với cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng các nguồn đầu vào nguyên liệu tái tạo, nguyên liệu xanh, thân thiện môi trường; từng bước tăng cường, nâng cao yêu cầu quản lý, chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu kiểm soát ô nhiễm môi trường theo hướng tiếp cận chuẩn mực quốc tế, khu vực, có tính đến năng lực sản xuất kinh doanh trong nước và điều kiện phát triển kinh tế xã hội vùng miền.

Tăng cường cơ chế phối hợp, công tác hiệu quả giữa các bộ ngành liên quan, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng TCVN, tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp xây dựng TCVN, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi khách quan từ thực tiễn SXKD của doanh nghiệp.

Về các giải pháp, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm hàng hóa theo hướng mở, hài hòa hơn với thông lệ quốc tế; có tính đến các hệ thống tiêu chuẩn riêng áp dụng phổ biến trên thế giới.

Quy hoạch việc phát triển và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về công nghiệp vật liệu, đô thị thông minh, PCCC; Nâng cao năng lực của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia sâu hơn vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu, đô thị thông minh, PCCC; Đẩy mạnh triển khai thực hiện MRA song phương, đa phương; Khuyến khích các hiệp hội, ngành hàng tham gia vào các ban kỹ thuật tiêu chuẩn xây dựng TCVN;

Xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn quốc gia, kết nối với cơ sở dữ liệu tương ứng trong khu vực (ASEAN, APEC, CPTPP, EVFTA, RCEP…) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thông tin kỹ thuật thị trường xuất khẩu; Tăng cường hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các bộ TCVN, quốc tế, nước ngoài tiên tiến về sản xuất, sử dụng sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện môi trường; Tăng cường phối hợp giữa cơ quan tiêu chuẩn hóa và các hiệp hội ngành hàng trong công tác đào tạo tư vấn, tuyên truyền, phổ biến áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời cần đề cao vai trò của công tác hậu kiểm, thanh kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ… xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn, chất lượng.

https://tcvn.gov.vn/2021/07/giai-phap-hoan-thien-he-thong-tcvn-qcvn-linh-vuc-pccc-cong-nghiep-vat-lieu-do-thi-thong-minh/

Liên kết