Ngày 8/01/2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, Tổng kết giai đoạn 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ 2021, giai đoạn 2021-2025.
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) có ông Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Xuân Định – Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ KH&CN cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Về phía Văn phòng Chính phủ, có sự tham dự của ông Chu Đức Nhuận – Vụ trưởng và ông Nguyễn Việt Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã. Về phía Bộ Tư pháp có ông Lê Đại Hải – Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế.
Về phía địa phương có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở KH&CN Tỉnh Sơn La, tỉnh Ninh Bình và các sở ban ngành địa phương khác.
Về phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) có Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp và đại diện lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh đã báo cáo tổng kết kết quả công tác năm 2020, tổng quan giai đoạn 2016-2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021, giai đoạn 2021-2025.
Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh, năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 và là năm nền tảng để chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế có biến động không nhỏ nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành thực hiện ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội để thực hiện “mục tiêu kép”.
Thứ trưởng Lê Xuân Định và Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh điều hành Hội nghị.
Những điểm sáng trong hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Trong công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục đã tổ chức tốt công tác tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 3973 TCVN (Tiêu chuẩn Quốc gia), khoảng 88%TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 60% (năm 2020 là 895 TCVN); tiếp nhận, thẩm tra và thẩm định 411 dự thảo QCVN của các bộ, ngành xây dựng (năm 2020 là 78 dự thảo QCVN); hướng dẫn, góp ý hơn 86 QCĐP (Quy chuẩn địa phương) của địa phương (riêng năm 2020 là 70 QCĐP) đã góp phần hoàn thiện hệ thống TCVN, QCVN (Quy chuẩn Quốc gia) theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ.
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Tổng cục chú trọng nâng cao, đổi mới, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ tốt hơn cho các Bộ/ngành. Riêng năm 2020, công tác soạn thảo và ban hành TCVN, QCVN được đẩy mạnh với tỷ lệ hơn 90% TCVN xây dựng mới hài hòa quốc tế và khu vực.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác đo lường đã giải quyết các thủ tục hành chính và các công việc theo chức năng nhiệm vụ về đo lường được xử lý nhanh chóng, kịp thời góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành chính công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho các tổ chức, cá nhân trên phạm vi cả nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, Tổng cục đã thực hiện việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 783 lượt đơn vị (năm 2020 là 177 lượt); Chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường cho 508 lượt đơn vị (năm 2020 là 131 lượt, tăng 61,7% so với năm 2019);
Chứng nhận 739 chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 (năm 2020 là 168 CĐL tăng 11,2% so với năm 2019); Chứng nhận, cấp 6.239 thẻ kiểm định viên đo lường (năm 2020 là 1.352 thẻ, giảm 15% so với năm 2019); Phê duyệt 17.747 mẫu phương tiện đo nhập khẩu, sản xuất trong nước (năm 2020 là 3.248 mẫu PTĐ, giảm 39% so với năm 2019).
Các đại biểu tham dự hội nghị
Trong hoạt động khảo sát, kiểm tra đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa (SPHH), Tổng cục đã tiến hành kiểm tra và khảo sát hơn 500 cơ sở với gần 2.000 mẫu hàng/năm, trong đó 20% số mẫu được kiểm tra không đạt về ghi nhãn và thực hiện kiểm tra nhà nước tổng số 1.200 lô xăng dầu nhập khẩu mỗi năm, tổng khối lượng khoảng hơn 8 triệu tấn.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động hợp tác quốc tế cũng được Tổng cục TCĐLCL đẩy mạnh và đạt được hiệu quả cao với nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp đã được Tổng cục ký kết. Tổng cục cũng đã chủ trì tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, việc tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo quốc tế đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và Bộ KH&CN, Tổng cục nói riêng đồng thời được các bạn quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt là trong năm APEC 2017 và ASEAN 2020.
Về chương trình quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Tổng cục đã thực hiện tốt công tác đầu mối triển khai Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, hệ thống TCVN có khoảng 13.000 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%; hệ thống QCVN được hoàn thiện với khoảng 800 QCVN; gần 1200 tổ chức đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) đăng ký hoạt động ĐGSPH tại Bộ KH&CN và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và đều có năng lực theo chuẩn mực quốc tế, được thừa nhận và công nhận quốc tế; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đạt mức trên 40%; xây dựng hơn 100 bộ chương trình, tài liệu đào tạo về tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng, quản lý đo lường, ĐGSPH, kỹ năng quản lý dự án NSCL, kiến thức cơ bản, nâng cao về NSCL, các kiến thức chuyên sâu về các hệ thống, công cụ cải tiến NSCL và tổ chức đào tạo trực tuyến cho hơn 6000 lượt người, đào tạo qua mạng (Web-based training) cho hơn 300 lượt người; đưa nội dung NSCL vào chương trình đào tạo của các trường dạy nghề, quản lý, nghiệp vụ về KH&CN…Ngoài ra nghiên cứu, lựa chọn, phổ biến, hướng dẫn áp dụng trên 30 loại các HTQL/MH/CC vào hơn 50.000 doanh nghiệp với các mức độ khác nhau.
|
Đánh giá giai đoạn 2016 - 2020, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cũng cho rằng, Tổng cục đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, duy trì chế độ làm việc theo quy chế, phân công nhiệm vụ rõ ràng; thống nhất và từng bước đổi mới trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tích cực, sát sao chỉ đạo, giải quyết các vấn đề phát sinh; Tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về TCĐLCL.
Nỗ lực bứt phá, hoàn thành phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm
Đề cập đến phương hướng hoạt động giai đoạn 2021-2025, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh đã đưa ra 5 phương hướng và 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021.
Theo đó, về phương hướng, Tổng cục tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH) và tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật (TCQCKT); Xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP hằng năm và tổ chức thực hiện; Nâng cao hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; Thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, áp dụng công nghệ thông tin; Tăng cường hoạt động tuyên truyền về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Sau khi nghe báo cáo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh trình bày, Hội nghị đã nghe những tham luận của Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy; Vụ Tiêu chuẩn; Vụ Hợp tác Quốc tế; Vụ Đo lường, Vụ Tổ chức Cán bộ; Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3 của Tổng cục; tham luận của Sở KH&CN Sơn La, Sở KH&CN Ninh Bình…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả nổi bật mà Tổng cục TCĐLCL đã đạt được trong năm vừa qua. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cơ bản mà Tổng cục cần thực hiện trong thời gian sắp tới.
Thứ nhất là cần tổ chức đánh giá việc thực hiện, đề xuất phương án tiếp tục hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng, sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng; Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các văn bản có liên quan, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội phù hợp với các cam kết tại Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thứ hai, tập trung triển khai hiệu quả các đề án, chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tiêu biểu là Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế năm 2025 định hướng đến năm 2030, Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Thứ ba, tập trung xây dựng và triển khai phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính về tiêu chuẩn đo lường chất lượng giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách đẩy mạnh thủ tục hành chính dịch vụ công mà Tổng cục đang cung cấp theo hướng tăng cường thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Chu Đức Nhuận – Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị.
Thứ tư, xây dựng kiện toàn bộ máy, tổ chức theo đúng quy định để đáp ứng nghị định đã ban hành. Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, hỗ trợ các đơn vị chi cục, trung tâm TCĐLCL trong cả nước, đảm bảo các vai trò quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng từ Trung ương đến đia phương. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp, thống nhất giữa các đơn vị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Tổng cục.
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp trong cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội trong Tổng cục, tăng cường kỷ luật kỷ cường, dân chủ công khai minh bạch, tạo sự đoàn kết nhât trí trong các hoạt động tại Tổng cục.
Cũng theo Bộ trưởng, mảng hoạt động của Tổng cục rất rộng, sự đóng góp rất lớn cho kinh tế - xã hội. Cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc đang làm khó cho hoạt động của Tổng cục. Sắp tới sẽ tăng cường giải quyết các khó khăn, vướng mắc đó, nhất là những vướng mắc tồn tạo lâu, cần tập trung giải quyết. Ngoài ra, còn nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác cần thảo luận, tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Với định hướng phát triển đúng đắn, quyết tâm cao của Tổng cục, tin tưởng rằng hoạt động TCĐLCL sẽ còn phát triển hơn nữa, đóng góp to lớn vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước; hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ KH&CN giao phó.
Thay mặt cho Đảng ủy, Lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức của Tổng cục, Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh cảm ơn những đánh giá, chỉ đạo và và định hướng của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt. Tổng cục xin tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và cho rằng, các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng sẽ được đưa vào nghị quyết, thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021 và giai đoạn tiếp theo.
Theo ông Chu Đức Nhuận - Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã Văn phòng Chính phủ, trong lúc khó khăn của đại dịch covid-19, Tổng cục TCĐLCL đã vào cuộc trên tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chống dịch như chống giặc, vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trong đó có các mặt hàng như trang thiết bị y tế (khẩu trang, máy thở, găng tay), … phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu.
"Tổng cục có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ QLNN và chuyên môn. Trong 5 năm qua, đặc biệt trong năm 2020, đã quan tâm xây dựng thể chế chính sách, phục vụ QLNN. xây dựng được 64 VBQPPL. Tham mưu được một khối lượng đồ xộ các văn bản. Hoàn thành tốt các đề án, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, không có đề án nào để lại sang năm sau. Đây là điều rất hiếm ở các bộ ngành và địa phương. Chất lượng các đề án ngày càng được nâng cao. Không có các đề án bị đính chính sửa đổi hoặc bị doanh nghiệp phản ứng", ông Chu Đức Nhuận đánh giá.
Cũng theo ông Chu Đức Nhuận, lĩnh vực QLNN của Tổng cục rất rộng, ít có hoạt động nào có tới 3 luật (Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Đo lường) điều chỉnh. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ và Bộ KHCN.
"Chính nhờ sự tập trung, quan tâm tới các mảng hoạt động chuyên ngành của Tổng cục nên các hoạt động này gắn liền với DN, hỗ trợ DN SXKD, xuất khẩu… Cũng nhờ đó mà hàng hóa xuất khẩu của DN đáp ứng các tiêu chí của thị trường quốc tế, đúng như tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ".
Trong những năm gần đây, Tổng cục tích cực hỗ trợ khó khăn của DN. Hỗ trợ cho các bộ ngành, DN tháo gỡ các tiêu chuẩn, quy chuẩn; hỗ trợ xây dựng, thẩm định, ban hành các TCVN, QCVN. Tổng cục hợp tác chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp trong việc xây dựng các đề án, văn bản, làm cho chất lượng ngày càng nâng cao và hoàn thành tiến độ tốt hơn. Với niềm tin, tin tưởng Tổng cục rất trách nhiệm, trình độ, Tổng cục sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ 2021, và các chương trình dài hạn hơn", ông Chu Đức Nhuận cho biết thêm.
|